Tết Hàn thực là gì? Ý nghĩa của Tết Hàn thực?
Tết Hàn thực là gì? Ý nghĩa của tết Hàn thực? Bạn đã nghe rất nhiều về ngày Tết Hàn thực ( mồng 3 tháng 3 Âm lịch) nhưng nó là gì và ý nghĩa ra làm sao thì không phải ai cũng biết được.
Tết Hàn thực là gì?
Theo nghĩa chữ Hán “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Tết hàn thực có nguồn gốc từ đất nước Trung Quốc. Theo sự tích được truyền lại thì vào đời Xuân Thu (770 – 221), có một vị vua của nước Tấn là Tấn Văn Công, do gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong, nay ở nước Tề, mai về nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua vô cùng trung thành. Một hôm khi đang trên đường lánh nạn quân lương đã cạn kiệt, ông bèn cắt 1 miếng thịt đùi của mình đem nấu để dâng lên vua. Sau khi ăn xong, vua biết chuyện đã vô cùng cảm kích. Về sau, khi vua Tấn Văn Công dành lại được ngôi vương đã phong thưởng rất hậu cho những người có công phò mình tuy nhiên ông lại quên mất vị hiền sĩ Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi đã cùng mẹ già lên núi Điền Sơn ở ẩn. Vua Tấn về sau nhớ đến công của ông nên cho người đi tìm ông về để ban thưởng. Nhưng vì là người không màng vinh hoa phú quý, chẳng cần danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về. Vua Tấn Văn Công đã ra lệnh đốt rừng nhằm thúc ép Tử Thôi quay về. Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng. Lúc bấy giờ nhà vua vô cùng ân hận, ông cho lập miếu thờ Giới Tử Thôi. Hàng năm, đến ngày 3 tháng 3 (ngày giỗ của Giới Tử Thôi) vua ban hành lệnh cấm dùng lửa để nấu ăn, ngay cả đồ cúng giỗ cũng phải làm từ hôm trước. Chính vì thế, ngày Hàn thực đã ra đời từ đây, để nhằm ghi nhớ công lao của Giới Tử Thôi. Ngày này, mọi người chỉ đồ ăn lạnh và không dùng lửa.
Ý nghĩa của ngày tết Hàn thực đối với người Việt
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những nét văn hóa và phong tục riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người dân Việt Nam đều ăn đồ nấu chín để nguội để dâng lên tiên tổ để tỏ lòng thành kính đối với ông bà, cha mẹ và những người đã khuất.
Điều đặc biệt, người Việt Nam còn sáng tạo ra hai món bánh đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực là bánh trôi và bánh chay với ý nghĩa vô cùng lớn lao:
Hướng về cội nguồn
Tết Hàn thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, là ngày để tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Chẳng hạn, ngày mùng 6/3 Âm lịch hàng năm, người Việt có lệ dâng bánh trôi bánh chay lên đền Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ nay là Hà Nội. Hay ngày mùng 10/3 Âm lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương, người Việt từ khắp mọi miền đất nước lại về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng bánh trôi, bánh chay, tưởng nhớ công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Cứ như thế ngày tết Hàn thực hay bánh trôi, bánh chay của người Việt đã trở thành nét đẹp văn hóa đã được lưu giữ từ ngàn đời nay.
Tết Hàn thực với món bánh trôi bánh chay truyền thống là dịp để mọi người tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Truyền thống dân tộc
Có nhiều sự tích kể lại rằng bánh trôi, bánh chay xuất hiện từ thời vua Hùng và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhở con cháu người Việt nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của mẹ Âu Cơ. Từ bọc trăm trứng nở ra 100 người con, 50 xuống biển, 50 lên non. Giỗ Tổ Hùng Vương , Đền Hùng, Tết Hàn thực cùng với việc làm bánh trôi, bánh chay chính là ý thức về cội nguồn dân tộc của người Việt. Với mùi thơm phức của bột nếp, đỗ xanh, đường mật, khiến không khí tết Hàn thực dường như trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.
Sưu tầm