Bố mẹ học được gì khi chơi với con
Thông qua những trò chơi với con cái, bố mẹ không chỉ giải tỏa stress mà còn hiểu ra cuộc đời đầy những bất ngờ và triển vọng.
Đôi khi, phụ huynh chơi với con vì cảm thấy mình phải đóng vai một phụ huynh hoàn hảo, hoặc vì bạn sợ cảm giác tội lỗi nên không dám nói “không” mỗi lần trẻ yêu cầu.
Tuy nhiên, cũng có vô vàn lý do chính đáng để bố mẹ gác hết mọi thứ, ngồi xuống chơi với trẻ con. Trò chơi giữa cha mẹ và con cái, khi thực sự thu hút và phù hợp với lịch trình, sẽ đem tới nhiều lợi ích cho người lớn.
Trước tiên, hãy định nghĩa từ “chơi”. Bác sĩ tâm thần Stuart Brown, người sáng lập và chủ tịch Viện quốc gia về vui chơi cho rằng chơi không phải một hoạt động đặc biệt mà là “một trạng thái tồn tại” bởi nó gắn kết chúng ta, đem tới niềm vui, thay đổi cảm giác về thời gian, nơi chốn và đề cao trải nghiệm hơn kết quả.
“Chúng ta xây dựng bản thân thông qua chơi đùa”, bác sĩ nói.
Có nhiều kiểu chơi với trẻ con. Đó có thể là những trò chơi quen thuộc, dễ nhận dạng như xếp hình, đóng vai, hóa trang, thể thao, điện tử, giải đố. Hoặc là những hoạt động ít khi được coi là chơi như nấu nướng, làm vườn, tưới cây, tắm cho thú cưng. Hay những hoạt động tự phát như vừa đi vừa hát.
Tất cả các trò chơi đều mang tính cá nhân cao. Mối quan hệ phụ huynh – con cái được tạo nên bởi hai cá thể với những tính cách với mong muốn riêng biệt. Kiểu và tần suất chơi của gia đình này sẽ khác với gia đình nọ.
Ảnh: CNN.
Khi trẻ lớn lên, trò chơi giữa phụ huynh – con cái cũng thay đổi. Ngày các con còn bé, Laurel Snyder hay cùng lũ trẻ chơi lắp ghép, thể thao và làm thủ công. Đến lúc chúng thành thiếu niên, các trò chơi của gia đình nữ tác giả sách thiêu nhi thiên về chia sẻ và tạo ra những trải nghiệm mới mẻ.
“Mùa hè năm ngoái, khi giãn cách xã hội, chúng tôi đi bộ buổi đêm với nhau. Chúng tôi ra một công viên gần nhà, khám phá và nghe tiếng ve sầu”, Snyder chia sẻ.
“Nếu đại dịch không xảy ra, chúng tôi sẽ không bao giờ làm điều đó”, cô nói tiếp. “Giờ đây, sinh hoạt đã về bình thường, chúng tôi có thể đi dạo vào ban ngày nhưng vẫn ra ngoài lúc nửa đêm hơn. Thế giới thật khác biệt vào ban đêm”.
Trong quá trình trưởng thành, con người hiện đại dần dần bị ám ảnh bởi năng suất, công việc và có cảm giác mình luôn ở phía, không bao giờ đủ tốt. Nhiều người tin rằng đây là khiếm khuyết của bản thân và quên rằng giải trí, vui chơi có thể thay đổi cuộc sống như thế nào. Thậm chí, thời gian chơi còn bị cho là lãng phí.
Thực tế, chơi có thể coi như một cách trị liệu.
“Chơi khiến chúng ta hỏi bản thân mình là ai khi không làm việc, kiếm tiền”, Snyder phân tích lý do người lớn cần chơi. “Nó giúp bạn tạm thời ngắt kết nối, ra khỏi vòng xoáy và ngừng lo lắng vì không làm việc hiệu quả”.
Nhờ chơi, con người có thể đẩy lùi nỗi lo lắng, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể.
“Người lớn cần chơi nếu muốn cảm thấy lạc quan về tương lai và duy trì tâm trạng phấn chấn cho một cuộc sống đầy thử thách, đòi hỏi”, bác sĩ Brown nói. Theo ông, tương tự thiếu ngủ, thiếu chơi dẫn tới những hậu quả tiêu cực kéo dài.
Bên cạnh đó, chơi giúp chúng ta cảm thấy kết nối với cộng đồng và học cách hợp tác với nhau. Các phụ huynh cũng sẽ mở ra những khía cạnh vui tươi vốn bị kìm kẹp mình.
Lưu ý, bác sĩ Brown khuyên cả bố mẹ và con cái nên dành một số khoảng thời gian chơi tự do theo ý mình. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ bởi khi không có người lớn hướng dẫn, chúng sẽ tự học hỏi và khám phá.
Nhà tâm lý học Alison Gopnik coi chơi như “dấu hiệu của thời thơ ấu”, “biểu hiện sống động của sự tưởng tượng và học hỏi”. Khi chơi, trẻ em có thể sánh ngang với các nhà khoa học vĩ đại. Chứng kiến đứa trẻ đưa ra vô số giả thuyết về những gì có thể làm với một quả bóng cao su, bố mẹ sẽ được nhắc nhở rằng cuộc sống đầy những bất ngờ và triển vọng chứ chưa chắc đã u ám, bế tắc.
Chơi không thể giải quyết hết những vấn đề về công việc và gánh nặng của người lớn, song nó giúp người trưởng thành nhận ra mình vẫn có khả năng cùng nhu cầu khám phá, tìm hiểu. Và thời gian chơi không hề bị lãng phí.
Thu Nguyệt (Theo CNN)