Take a fresh look at your lifestyle.

Nguồn gốc Lễ Vu Lan và nghi thức bông hồng cài áo

Nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu lan bắt nguồn từ đầu, và từ bao giờ nghi lễ này xuất hiện ở Việt Nam?

Hình ảnh bông hồng cài áo từ lâu đã là biểu tượng của mùa Vu lan, của sự báo hiếu. Hình ảnh này xuất hiện thường xuyên vào mỗi tháng 7 âm lịch như nhắc nhở mỗi người con phải biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ mình và trân trọng từng phút giây còn có song thân bên mình. Các buổi lễ Vu lan tại chùa cũng luôn có nghi thức bông hồng cài áo.

Nguồn gốc lễ Vu lan

Truyền thống Vu lan báo hiếu có từ thời Đức Phật tại thế, xuất phát từ câu chuyện của tôn giả Mục Kiền Liên, một trong các đại đệ tử của Phật. Nhờ có phép thần thông, vị tôn giả này mà nhìn thấy người mẹ đã qua đời của mình – bà Thanh Đề – trở thành quỷ đói, chịu đọa đày khốn khổ trong ngục sâu A Tỳ.

Xót xa thương mẹ, ông mang cơm vào ngục dâng lên. Do đói khát và bản tính tham lam, bà Thanh  Đề một tay bốc cơm, một tay che bát để các cô hồn khác khỏi tranh cướp. Nhưng cơm vừa đưa lên miệng bà đã hoá lửa đỏ. Bà thảm thiết kêu van: “Mục Kiền Liên con ơi, con hãy về cầu xin Phật tìm cách cứu mẹ”.

Nhưng khi nghe đệ tử cầu xin, Đức Phật cho biết, dù Mục Kiền Liên dù thần thông quảng đại đến đâu cũng không cứu nổi mẹ mình bởi nghiệp ác bà gây ra quá nặng, và bản tính ích kỷ tham lam vẫn chưa bỏ được. Phải chờ đến rằm tháng 7, khi chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tu tập thì nhờ họ cùng thực hiện Pháp Vu lan bồn – làm lễ hồi hướng cầu siêu cho bà Thanh Đề. Người phụ nữ này nhờ đó thoát khỏi địa ngục và đầu thai lên cảnh giới cao hơn. Sau đó, Pháp Vu lan bồn được áp dụng để cứu vớt nhiều chúng sinh khác.

Lễ Vu Lan báo hiếu và sắc thái ý nghĩa bông hồng cài áo

Nguồn gốc nghi lễ bông hồng cài áo

 Đây là một nghi lễ quan trọng trong lễ Vu lan rằm tháng 7 tại các ngôi chùa. Những người tham dự sẽ nhận được một bông hồng màu trắng hoặc đỏ để cài lên ngực áo mình.

Theo Đại đức Thích An Đạt (chùa Thiên Trúc, quận 7, TP.HCM), nghi thức này chỉ mới xuất hiện khoảng 60 năm nay ở Việt Nam và người khởi xướng là thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong thập niên 60 thế kỷ trước, thiền sư có chuyến thăm Nhật Bản và thấy người nước này cài hoa cẩm chướng lên ngực trong lễ Vu lan. Những người mất mẹ cài hoa màu trắng, người còn mẹ cài hoa đỏ.

Trở về Việt Nam, ông đề xuất thực hiện nghi thức này trong lễ Vu lan, nhưng sử dụng hoa hồng – loài hoa phổ biến, đẹp và nhiều ý nghĩa – thay vì hoa cẩm chướng. Nghi thức này được phổ biến, duy trì đến nay và hoa hồng trắng, đỏ trở thành biểu tượng đầy xúc động của lễ Vu lan.

Thúy Hường/TH