Những cách hóa giải hay khi gặp đồng nghiệp xấu
Khốn đốn vì đồng nghiệp xấu
Anh Lê Văn Cường (Hà Nội) cao ráo, đẹp trai, nhạy bén trong công việc nên mới về công ty đã được sếp đánh giá cao là người có năng lực. Anh Cường có nhiều cô gái muốn làm thân, trong đó có cả cô hoa khôi của công ty.
Đồng nghiệp của anh cũng thích cô hoa khôi đó. Người này nói năng nhẹ nhàng, khôn khéo và cả công ty biết đồng nghiệp đó hay đố kị, ganh ghét, chuyên nói xấu người khác sau lưng, nhưng chẳng ai làm được anh ta.
Sau mấy lần làm việc chung, đồng nghiệp đi rêu rao là anh Cường chẳng đóng góp chút công sức nào cả, đẩy hết mọi việc lên đầu đồng nghiệp, làm việc thì kém cỏi… Anh Cường đã thẳng thắn nói chuyện với đồng nghiệp này, nhưng đồng nghiệp biết anh Cường nóng tính nên anh ta lươn lẹo chối bay, kích cho anh Cường không kiềm chế nổi cơn nóng giận và bị sếp phê bình, mọi người nhìn anh không thiện cảm nữa.
Vân Anh (Hải Phòng) ra trường đã 5 năm. Khi chuyển sang cơ quan mới, cô được sếp cũ đánh giá là một nhân viên chăm chỉ, còn trẻ mà rất chịu khó học hỏi, sẵn sàng đón nhận những điều mới. Về công ty mới, cô làm dự án cùng chị đồng nghiệp miệng lưỡi ngọt ngào, khéo léo, nhưng anh em trong phòng dặn Vân Anh cẩn thận vì sau lưng cô chị ta đơm đặt, nói xấu đủ điều. Vân Anh nghĩ mình thẳng thắn, chịu khó, không ngại việc, bản tính lại hòa nhã, biết trước biết sau, biết kính trên nhường dưới… thì sẽ yên ổn.
Nhưng khi sếp bật mí làm xong dự án này sẽ chọn 1 trong 2 người lên vị trí tốt hơn thì chị đồng nghiệp tìm mọi cách để cạnh tranh không lành mạnh: Bàn làm việc của Vân Anh liên tục bị đảo lộn, sơ ý ra ngoài quên tắt máy tính là bị xóa sạch các dữ liệu mà cô khốn khổ không lấy lại được, bản báo cáo vừa in ra để trên bàn chuẩn bị trình giám đốc thì quay đi quay lại đã biến mất… Không chịu được áp lực xấu đó, Vân Anh phải xin chuyển phòng để có môi trường học hỏi và cống hiến tốt hơn.
Cách “hóa giải” tình hình khi bị đồng nghiệp chơi xấu
Công sở là nơi bạn sống và làm việc nhiều hơn cả thời gian ở nhà bên người thân. Vì vậy rất cần giữ môi trường làm việc tốt và không quá căng thẳng khi bị đồng nghiệp chơi xấu.
Có người tìm cách theo dõi để trị lại đồng nghiệp xấu theo kiểu “gậy ông lại đập lưng ông”, thắng thì ở lại, thua thì đi cơ quan khác. Có người chọn cách bơ đi mà sống, bởi ở đâu cũng có người tốt – xấu, tự an ủi rằng sang chỗ mới chắc cũng có những đồng nghiệp như vậy. Có người chọn cách lên tiếng, nói thẳng, hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của cấp trên để không rơi vào tình trạng trầm cảm…
Một số kinh nghiệm “hóa giải” để làm chủ tình hình khi gặp phải đồng nghiệp xấu như sau:
– Mỉm cười, hài hước, bình tĩnh trước mọi vấn đề. Cởi mở giao tiếp với đồng nghiệp (không phải xu nịnh, khoe mọi thứ mình có, mình biết), mà chỉ nên chia sẻ sở thích, thói quen… để dễ hòa đồng. Nên thể hiện lòng trắc ẩn và nhân hậu, đối xử tử tế với đồng nghiệp xấu để họ bớt “chọc ngoáy” khiến bạn tức giận mà hành xử kém văn hóa. Nếu có giúp đỡ ai, tốt bụng với ai cũng cần có “chiến lược” chứ không nên tốt bụng mù quáng.
– Nói chuyện riêng với đồng nghiệp xấu tính về những tin đồn thất thiệt, không cần rạch ròi đúng sai, mà chỉ cảnh báo ngầm là “tôi biết đấy”. Cũng đừng tự trách mình ngu, vì bạn không có lỗi.
– Ở đâu cũng có đồng nghiệp xấu, nên bạn phải cẩn thận, phân chia nhiệm vụ rõ ràng, ai làm việc nấy, có thời hạn rõ ràng… Như thế khi có vấn đề phát sinh họ không thể đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi sang bạn, hoặc “vơ” hết công lao về mình. Nên ghi chép cẩn thận và luôn có bản copy lưu trữ dữ liệu riêng (nhất là khi báo cáo hay thuyết trình quan trọng). Cái gì chưa muốn công khai thì đừng nói hay viết ra vì đồng nghiệp xấu có thể ăn cắp ý tưởng và dùng nó để làm hại bạn.
– Đừng so sánh mình với người khác, đừng bao giờ “ăn thua” với đồng nghiệp xấu vì họ có nhiều mánh khóe để đối phó với bạn. Nếu có người cố tình so sánh thì bạn chọn cách im lặng, hoặc đi chỗ khác, hoặc tạo khả năng “miễn nhiễm” để họ “chán” so sánh.
– Khi nghe nhiều điều không tốt về mình thì cũng nên im lặng, bởi dấn thân vào cuộc tranh cãi hơn thua vì những người đang cố tình hạ thấp bạn sẽ khiến bạn mệt mỏi, đau khổ.
– Thu thập bằng chứng, ghi âm, chụp ảnh lại để đối phó khi vụ việc có liên quan đến pháp lý hoặc nhân sự.
Đồng nghiệp xấu tính, sống hai mặt là phiền phức, chán nản trong môi trường làm việc, nhưng đừng để bạn bị tụt lại phía sau. Hãy tập trung vào phát triển các thế mạnh của bản thân, hỗ trợ các đồng nghiệp khác khi có thể, vui vẻ và hạnh phúc thì bạn sẽ thành công và có thể được thăng chức tới 40% so với những người còn lại.
Nếu phải làm chung với đồng nghiệp xấu nhưng có năng lực và ghét bạn ra mặt thì bạn cứ tập trung vào công việc giữa hai người. Đôi khi hợp tác làm việc cùng cũng có lợi, bởi kẻ thù hôm nay chưa chắc đã là kẻ thù vào ngày mai.
Sau này dù đồng nghiệp xấu có tốt và tử tế tới mấy thì bạn cũng chỉ dừng lại ở mức trò chuyện công việc (nhất là với người làm trong kinh doanh, bán hàng, marketing…), đừng có tin và nếu có bắt tay nhau, có đi cùng đường thì cũng luôn phải cẩn trọng, vì họ ngọt ngào đấy, nhưng đâm thọc lén sau lưng lúc nào bạn không hay.
Nếu đồng nghiệp xấu thực sự là một mối đe dọa, tốt nhất bạn nên tránh.
Phép trị đồng nghiệp xấu tính nơi công sở trước hết là bạn cần giữ bình tĩnh, bởi nóng giận chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn. Bình tĩnh không rơi vào bẫy của đồng nghiệp xấu, mới tìm ra giải pháp để xử lý, hoặc khắc phục sai lầm, hay minh oan cho mình.
“Chiến thuật” tốt nhất để đối phó với đồng nghiệp xấu là đáp lại họ bằng sự tử tế, giữ nụ cười thân thiện, bình tĩnh đối mặt với những hành vi xấu, lời nói xấu, hoặc buộc tội của họ, kể cả khi họ cáu gắt, khoa trương cũng cần giữ vững lập trường… như thế họ sẽ khó chịu và những lần sau trò xấu của họ sẽ bớt đi.
Không nên lo lắng, sợ sệt đồng nghiệp xấu, cũng đừng vì bị cô lập mà tính cách “trả đũa”. Bạn chỉ cần làm tốt công việc của mình, cư xử có chừng mực, hài hòa, để kẻ xấu tính không hả hê vì bắt nạt, làm hại bạn…
Cũng tránh tham gia nhóm chống lại đồng nghiệp xấu. Tốt nhất là đề phòng chứ không phải “tấn công”, bởi môi trường làm việc sẽ chia phe phái sẽ rất mệt mỏi, mất động lực làm việc bởi ai cũng phải đề phòng nhau. Có câu: “Nếu bạn không thể đập chết con ong vò vẽ từ phát đầu tiên thì tốt nhất là đừng động đến nó”. Kẻ xấu tính đi ngược lại văn hóa tốt đẹp nơi công sở, giỏi xảo trá và rất giỏi “chặn đòn”.
Điều bạn cần là công việc suôn sẻ, trôi chảy nên đừng lãng phí thời gian để thay đổi cách nghĩ của họ về cá nhân bạn. Tập trung vào công việc là cách khiến những hành vi xấu tính của họ khó có thể ảnh hưởng đến bạn nhất. Nếu vấn đề không được giải quyết trong thời gian dài, hoặc nghiêm trọng hơn thì nên gặp cấp trên để trình bày sự việc, cùng những chứng cứ, và nhìn nhận vấn đề khách quan. Nếu cấp trên không giúp được thì nên tìm cho mình một công việc khác. Việc bạn ra đi không phải là đồng nghiệp xấu “chiến thắng”, mà đơn giản là bạn yêu bản thân, cuộc sống của bạn nên tự giúp mình tới nơi môi trường làm việc khác an toàn và thoải mái hơn.
Cuộc sống là của mình, miệng lưỡi là của thiên hạ. Bạn không thể kiểm soát được ý nghĩ và lời nói của người khác, nhưng có thể giữ cho tâm bình tĩnh, thái độ im lặng trước mọi điều không hay. Im lặng không phải mình sai, mà để quan sát mọi việc.
Bạn hãy tin rằng cuộc đời này có luật Nhân – Quả, đừng giày vò bản thân vào những lời nói của người khác nữa. Kẻ càng muốn ép cái xấu cho người khác thì nghiệp quả sẽ báo sớm.
Có 4 câu thần chú cần dùng khi gặp đồng nghiệp xấu, đó là IM LẶNG – QUAN SÁT – KHÔNG PHÁN XÉT – BUÔNG XẢ.
Tuệ An
Chuyên gia tư vấn Hạnh phúc Gia đình