Trái ô môi, hương vị miền Tây mộc mạc gợi nhắc về ký ức tuổi thơ của bao người
Không biết trẻ con thời nay thế nào chứ lũ nhóc làng quê ngày xưa đơn giản lắm. Không cần trà sữa, kẹo ngọt gì cao sang, cứ mỗi độ trưa hè rủ nhau ra mấy mảnh đất sau nhà rồi tìm nhặt những loại cây trái là đã đủ hấp dẫn cho một bữa quà vặt. Nào là bình bát, nhãn lồng, me nước… bao nhiêu là thức ngon hấp dẫn khiến đứa nào cũng say mê. Và đương nhiên không thể bỏ qua trái ô môi, hương vị mộc mạc gói gọn ký ức của bao người.
Tên gọi nghe chẳng thi vị nhưng ô môi được ví von là hoa đào của miền Nam. Bởi vì khi vào mùa trổ bông, từng hàng cây sẽ trút hết lá và bắt đầu đơm thành những chùm hoa hồng phấn tạo thành cả vùng trời đẹp ngất ngây. Khi đó, ô môi cũng dần kết trái với những chùm màu xanh non, nho nhỏ như đậu đũa.
Trông nõn nà khi còn non là thế nhưng trái ô môi lại “dậy thì thất bại”. Chúng chuyển hẳn sang màu đen với lớp vỏ cứng cáp, thô và cùng với kích thước dài ngoằn. Từng trái ô môi đung đưa trên cành khiến lũ trẻ bên dưới nháo nhào, chực chờ cơn gió đi qua để rụng xuống.
Hai bên thân có đường gân chạy dài từ đầu đến cuống nên người ta hay dùng dao róc phần mép này để tách chúng ra. Từng múi cơm ô môi xếp thành các lớp đều nhau và ướm bên ngoài là lớp mật đen sánh sệt. Trông không “khả ái” chút nào nhưng ngộ đời là chúng lại khiến người ta mê mẩn.
Ô môi có vị ngòn ngọt, chút hăng cay và nồng nồng rất lạ. Có lẽ do kết tinh từ mấy tháng trời nên lớp cơm đặc lại và tỏa ra mùi thơm rất riêng. Chấm thêm muối ớt nữa là ôi thôi chẳng cao lương mĩ vị nào thay thế được.
Ngoài cơm thì hạt ô môi cũng là nguyên liệu cho nồi chè bình dân ở vùng quê miền Nam. Chúng có màu hồng nhạt, cỡ đầu ngón tay và thường đính kèm bên trong múi ô môi. Sau khi ngâm nước cho vỏ mềm rồi lột sạch thì cứ cho vào nấu cùng dừa. Món chè này rất thơm và có độ bùi béo nhai “đã” miệng.
Có khám phá mới thấy, ẩm thực miền Tây cứ chân chất, mộc mạc như chính bản tính của họ. Từ những thức quà của tự nhiên ban tặng mà đã tạo nên vùng trời của ký ức và hương vị đôi khi nhớ lại bỗng dưng làm người ta cảm thấy bồi hồi.