Thạch đen – cây giúp người dân Thạch An, Cao Bằng giảm nghèo
Xác định cây thạch đen có giá trị kinh tế cao, là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Thạch An (Cao Bằng) đã đồng bộ thực hiện các giải pháp mở rộng diện tích, nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, cây thạch đen được xuất khẩu đi nhiều nước; sản phẩm thạch đen chế biến từ cây thạch với vị ngọt mát, thanh đạm, giải nhiệt được thị trường trong nước ưa chuộng, đầu ra ổn định, tạo triển vọng lớn cho cây “giảm nghèo” ở Thạch An.
Chúng tôi đến xã Trọng Con, “thủ phủ” cây thạch đen ở huyện Thạch An. Năm 2021, diện tích gieo trồng toàn xã hơn 83 ha, bằng gần 1/5 tổng diện tích cây thạch đen trong toàn huyện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trọng Con, Nông Ngọc Hoàng phấn khởi cho biết, 2 năm nay, đầu ra mở rộng, giá cây thạch “neo” ở mức cao, từ 40-45 nghìn đồng/kg. Sản phẩm được giá, người dân tích cực trồng, chăm bón, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng. Mỗi năm, cây thạch đen mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng cho nông dân trong xã. Xã phối hợp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân, đặc biệt là hộ nghèo phát triển trồng cây thạch đen, nâng cao thu nhập. Qua đó, tạo động lực cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững trong xã. Mỗi năm, xã giảm hơn 5% hộ nghèo, hiện còn 158 hộ nghèo, bằng 32,7%.
Tiêu biểu phát triển trồng thạch đen trong xã có các ông Nông Văn Kim, Nông Văn Thao, xóm Vĩnh Quang, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ bán cây thạch đen. Nhiều hộ thu nhập 50-60 triệu đồng/năm. Anh Lý Văn Dương, xóm Nà Lẹng, xã Trọng Con chia sẻ, gia đình trồng cây thạch đen từ chục năm nay. 2 năm gần đây, sản phẩm được giá, cho thu nhập 50-60 triệu đồng/năm, gia đình tự ươm giống cây trồng nên trừ chi phí phân bón vài triệu đồng, cây thạch mang lại nguồn thu nhập để mua sắm nhiều đồ dùng phục vụ sinh hoạt.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An cho biết, năm 2021, tổng diện tích cây thạch đen khoảng 428 ha, trồng ở 8 xã trong huyện; dự báo tổng sản lượng 2.000 tấn, với giá bán bình quân 40 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 80 tỷ đồng cho nông dân. Thị trường tiêu thụ cây thạch đen chủ yếu do tư thương thu mua, sơ chế, rồi xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ; tại thị trường trong nước, một số công ty, cá nhân mua cây thạch đen về chế biến thành thạch đen thành phẩm, bán rộng rãi trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thạch An, Vũ Đức Thiện chia sẻ, hiện cây thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước, để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm, đơn vị phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất, sơ chế cây thạch đen an toàn, sạch cho nông dân và cơ sở thu mua, chế biến thạch đen. Phòng phối hợp, lập hồ sơ, cấp 95 mã vùng trồng cây thạch đen, đáp ứng yêu cầu mã vùng khi xuất khẩu sản phẩm.
Tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Thạch đen – Thạch An cho các sản phẩm liên quan đến cây thạch đen. Qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến cây thạch đen trên địa bàn có thể dán tem, nhãn hiệu lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng sản phẩm truy xuất nguồn gốc, tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm từ cây thạch đen.
Để duy trì diện tích, phát triển bền vững cây thạch đen, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch An, Nông Thế Phúc cho biết, địa phương chú trọng tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông dân, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm từ cây thạch đen. Đồng thời, phối hợp quảng bá cây thạch đen, sản phẩm từ cây thạch đen; kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cây thạch đen tại địa bàn huyện, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho cây thạch đen, giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu.
Minh Hằng/TH