Sự hấp dẫn thị trường bán lẻ Việt Nam nhìn từ các thương vụ M&A của Masan
Tháng 5/2021, một nhóm các nhà đầu tư trong đó có “ông lớn” thương mại điện tử Alibaba và quỹ đầu tư Baring Private Equity Asia đã rót vốn đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX.
Trước đó, SK Group đã rót 410 triệu USD tiền mặt cho 16,26% cổ phần tại VinCommerce – công ty điều hành hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ của Masan.
Không chỉ hợp tác với các đối tác nước ngoài, Masan còn “mạnh tay” M&A với các doanh nghiệp nội địa. Ngày 24/5, một công ty con khác của Masan là The Sherpa đã chi 15 triệu USD để mua 20% cổ phần của Phúc Long – thương hiệu trà sữa đình đám của Việt Nam.
Hai bên có kế hoạch mở rộng mô hình kiosk Phúc Long tại các cửa hàng VinMart+ của Masan. Thương vụ nối dài danh sách M&A mà tập đoàn này đã thực hiện những năm gần đây.
Mô hình bán lẻ tích hợp từ offline đến online
Như tuyên bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan diễn ra vào tháng 4/2021, tầm nhìn trong 10 năm của Masan là xây dựng nền tảng tiêu dùng – bán lẻ “tất cả trong một” nhằm phục vụ tất cả các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Nền tảng này sẽ được ứng dụng công nghệ, tích hợp các điểm bán hiện hữu (offline) và kênh mua sắm trực tuyến (online). Masan gọi nền tảng “tất cả trong một” này là Point of Life.
Masan có lợi thế khi sở hữu hệ thống bán lẻ hiện đại dẫn đầu về quy mô với gần 2.500 siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Ngoài ra, Masan Consumer còn có mối quan hệ mật thiết với hơn 300.000 điểm bán truyền thống phủ sóng từ thành thị đến nông thôn.
Khi chuyển đổi các điểm bán lẻ theo hướng hiện đại hóa, Masan có thể tận dụng hệ thống cửa hàng offline làm điểm giao hàng cho các đơn hàng online, từ đó tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Masan cho biết sẽ tận dụng tối đa việc tích hợp hai kênh, thay vì xây dựng online thành một kênh riêng.
“Với mô hình này, chúng tôi vừa cung cấp nhiều sự lựa chọn cho khách, vừa có khả năng quản lý chi phí hiệu quả nhờ việc trực tiếp xử lý đơn hàng tại cửa hàng. Ví dụ như việc kết hợp đơn hàng của hai kênh giúp giảm biến động về sức bán hàng, qua đó quản lý tồn kho và hỏng hủy hiệu quả. Mạng lưới rộng cũng giúp giảm khoảng cách và đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng”, ông Danny, Tổng giám đốc Masan Group cho biết.
Trợ lực từ thỏa thuận với Alibaba
Thương mại điện tử tuy có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng lại là cuộc đua “đốt tiền” cần rất nhiều nguồn lực. Hướng đi được Masan chọn lựa là “bắt tay” với Alibaba – đối tác dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã có sẵn nền tảng, giàu nguồn lực và thế mạnh công nghệ.
Sau thương vụ hợp tác với “ông lớn” thương mại điện tử châu Á, ngoài con số 400 triệu USD, The CrownX ngay lập tức có thêm mảnh ghép kênh bán lẻ online. The CrownX sẽ hợp tác với Lazada – nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba – để phát triển thị trường bán lẻ online tại Việt Nam. Trong đó, VinCommerce đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử này.
Hai bên cho biết sẽ chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để chuyển đổi ngành bán lẻ Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, tận dụng sức mạnh phân tích dữ liệu để phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. VinMart/VinMart+ đã có sẵn cơ sở dữ liệu 10 triệu khách hàng. VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada, tiếp cận thêm 20 triệu khách hàng trên kênh mua sắm này.
Khi nhìn lại con đường phát triển của Alibaba, hệ sinh thái của Tập đoàn này không chỉ có thương mại điện tử, mà còn là thanh toán và dịch vụ tài chính. Tài chính và thanh toán, cũng là một trong những trụ cột được Masan nhắc đến trong tham vọng ‘Point of Life’ và chính mảng này sẽ đóng vai trò kết nối để tạo ra một nền tảng thống nhất. Và đối tác của Masan không ai khác hơn chính là ngân hàng Techcombank. Bắt đầu từ năm nay, VCM sẽ triển khai các dịch vụ tài chính do Techcombank cung cấp, ít nhất trên 50% số cửa hàng.
Masan ước tính, nếu liên kết với các nền tảng khác từ offline sang online như thương mại điện tử, The CrownX (do Techcombank phụ trách mảng tài chính) có thể đạt mục tiêu tiếp cận 30-50 triệu khách hàng.
Sau hàng loạt các thương vụ hợp tác với SK Group, Alibaba và mới đây là phát triển mô hình chuỗi bán lẻ F&B tại các cửa hàng VinMart+, bức tranh “Point of Life” của Masan ngày càng rõ nét hơn. Với các bước đi chiến lược bài bản, kế hoạch hiện thực hóa Point of Life, xác lập nền tảng tiêu dùng – bán lẻ có vị thế dẫn đầu của Masan hoàn toàn trong tầm tay. Báo cáo nghiên cứu của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra mức giá mục tiêu dự phóng của MSN là 142.000 đồng/ cổ phiếu, cao hơn 30% so với giá hiện tại.
Một mô hình bán lẻ rất thành công trên thế giới là trường hợp Walmart. Nhờ tận dụng mạng lưới bán lẻ 5.000 siêu thị, trên 150 kho hàng và lượng khách offline lớn 150 triệu người, Walmart đã xây dựng thành công kênh O2O tập trung vào “click and collect” – đặt hàng online và nhận tại store thay vì giao hàng về nhà. Hiện nay, Walmart đã để vượt qua Amazon trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm online hàng đầu tại Mỹ. “Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi sẽ xây dựng những dịch vụ riêng phù hợp, chứ không áp dụng luôn mô hình của Walmart”, lãnh đạo Masan cho biết.