Mẹo hô biến đứa trẻ lười biếng trở nên chăm chỉ
Bởi suốt 9 tháng thai kỳ, con chỉ có thể làm bạn với không gian nhỏ chật đầy bóng tối trong bụng mẹ, khác xa với những hình ảnh, ánh sáng, âm thanh mà bé nhìn thấy hay nghe được khi bắt đầu mở mắt lần đầu tiên. Vì thế, nếu nhận định con trẻ lười biếng, không ham học hay không thông minh là điều không đúng.
Nhận định được điều đó, là cha mẹ bạn sẽ có cái nhìn khác về con mình. Đó không phải là những đứa trẻ “lười bẩm sinh”. Đó hoàn toàn là kết quả của sự nuông chiều hoặc dạy con chưa đúng cách.
Ảnh minh họa.
Để hô biến một đứa trẻ trở nên chăm chỉ, cha mẹ hãy tham khảo những điều sau:
Hãy để trẻ tự do
Xuất phát từ tâm luôn muốn được tự làm điều mình thích của trẻ con, đa số các bé đều muốn làm điều mình yêu hơn là nghe theo lời nói áp đặt của bố mẹ. Vậy nên nếu bạn là một ông bố chuyên ép buộc hay một bà mẹ luôn muốn con làm theo ý mình, nếu không sẽ la mắng, quở trách và phạt con nặng nề sẽ khiến trẻ sinh ra tâm lý bí bách, không vâng lời nữa hoặc chỉ lễ phép trước mặt mà không phục ngay sau khi bạn rời đi.
Việc gây áp lực mạnh chỉ làm cho con mất niềm vui và cảm thấy rất nản lòng hơn, thụt chí. Nếu con không thích học thì phải làm sao? Không sao cả, bạn hãy bình tĩnh ngồi xuống cùng con tìm ra lý do tại sao như thế. Hãy để trẻ tự nói lên suy nghĩ thật lòng của mình bằng thái độ điềm tĩnh, nhẫn nại và lòng bao dung của chính bạn.
Tiếp đến, bạn hãy nhẹ nhàng giải thích lý do tại sao con cần học hành tử tế, chẳng hạn cho con hiểu rằng những đứa trẻ ngoan thì luôn có quà và được nhiều người xung quanh yêu mến hơn những đứa trẻ hư.
Bố mẹ nên nêu ra các ví dụ điển hình bằng những câu chuyện thực tế hoặc trong sách vở, truyện tranh để bé dễ hình dung và học theo hơn. Điều quan trọng nhất là bạn hãy để con tự do một chút, tuyệt đối không gây áp lực cho con dù là chuyện học ở trường hay làm việc ở nhà.
Không nên đặt quá nhiều mục tiêu khiến trẻ bị áp lực
Hãy chấp nhận lực học của con bạn, mỗi bé đều có một tốc độ phát triển khác nhau, việc bố mẹ thường xuyên so sánh khả năng của con với những bé khác, đặt mục tiêu con phải là người đứng đầu sẽ khiến con rơi vào trạng thái căng thẳng và sợ hãi vì không đáp ứng được sự mong mỏi của bố mẹ.
Vì vậy, thay vì ép buộc con, bố mẹ hãy chấp nhận và để con một cách tự nhiên. Điều này rất quan trọng, vì sẽ tạo tâm lý thoải mái cho con, con nhận thức được bản thân và chăm học hơn.
Giúp con tìm ra sở thích và năng khiếu
Trẻ thích được học những gì mình thích. Vì vậy, cha mẹ nên quan sát để tìm ra năng khiếu, sở trường của trẻ. Dành cho con những không gian riêng để con tự tìm hiểu và khám phá năng lực của mình. Thường xuyên tâm sự cùng con về những điều con thích, những ước mơ sau này của con. Khuyến khích trẻ phấn đấu để đạt được ước mơ của mình.
Nếu con bạn không thích học Toán hay Văn mà muốn học Vẽ thì hãy tôn trọng con. Hãy tạo điều kiện cho con được làm điều mình thích, phát huy khả năng của mình. Điều này sẽ phát huy tối đa tinh thần ham học hỏi của trẻ. Quan trọng nhất đó là con bạn được vui vẻ, được sống với đam mê của mình. Đừng chỉ cố tìm ra phương pháp dạy con học hành chăm chỉ mà hãy làm con vui và hạnh phúc.
Trân trọng sở thích cá nhân của con
Với một đứa trẻ hiện đại, kiến thức sách vở thôi chưa đủ, hãy trang bị cho con những kỹ năng. Những lớp học ngắn hạn, không gò bó điểm số sẽ là lựa chọn rất tốt cho con. Những kỹ năng này con có thể thấy được kết quả rất nhanh, rất rõ. Các lớp học võ sẽ giúp con nhanh nhẹn và tự tin hơn, lớp học nấu ăn, làm bánh con có thể mang sản phẩm về để khoe, lớp học cắm hoa cũng tương tự, lớp học giao tiếp có thể giúp con kết bạn thêm bạn mới,… Những lớp học này sẽ giúp con trở nên hứng thú và vui vẻ.
Dù ít dù nhiều, nhưng những lớp học này sẽ giúp cho con học kiến thức trên lớp một cách nhanh hơn, giúp con giải tỏa được những áp lực sách vở.
Không tranh làm hết phần việc của con
Đành rằng dạy một đứa trẻ làm bất cứ việc gì cũng đều nhọc công hơn việc tự mình làm lấy. Nhưng như thế là cha mẹ đang cướp mất quyền được làm việc của con trẻ. Hãy dạy con theo nguyên tắc “không biết”. Nghĩa là, hãy giả vờ không biết để cầu cứu con. Khi trẻ được tin tưởng, trẻ sẽ cảm thấy mình cực kỳ có giá trị, từ đó tự giác tìm hiểu thông tin để dành cho những lần cầu cứu sau của cha mẹ.
Một số cách cầu cứu như: mẹ không biết nấu món này, con thử tra Google dạy mẹ xem nào. Cái bóng đèn này hỏng giờ phải làm sao bây giờ? Mẹ nhớ tòa tháp này ở nước Anh không biết có đúng không, con tra thử hộ mẹ xem nào?… Những câu hỏi giả vờ này không chỉ giúp con cách tìm thông tin mà con giúp con tư duy nhanh trong việc giải quyết vấn đề.
Và cuối cùng, nhất định kỷ luật phải gắn liền khuyến khích
Với mọi đứa trẻ, lời khen, phần thưởng đúng lúc, kịp thời có tác dụng khuyến khích trẻ hăng say hơn, nhiệt huyết hơn, cố gắng hơn. Vì thế, đừng tiếc lời khen, lời động viên dành cho con. Nó thể hiện sự đồng hành và ghi nhận của bạn dành cho trẻ. Trẻ sẽ trân trọng, đề cao bản thân, vì thế mà cố gắng hơn.
Phương Nghi (t/h)