Take a fresh look at your lifestyle.

Các quốc gia trên thế giới kỷ niệm ‘Ngày của Mẹ’ thế nào?

“Ngày của Mẹ” (Mother’s Day) là dịp để những người con trên khắp thế giới bày tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành của mình.

Ở Mỹ, vào Ngày của Mẹ, theo ước tính của các doanh nghiệp, chi tiêu tài chính của đất nước này cho Ngày của mẹ chỉ thua ngày Lễ Giáng sinh. Theo Liên đoàn bán lẻ Mỹ, trung bình mỗi người con sẽ chi khoảng 139 USD để mua quà tặng mẹ vào ngày này. Thường những món quà người Mỹ tặng mẹ là hoa, chocolate, bánh kẹo, quần áo, đồ trang sức đắt giá hay những chuyến du lịch, spa chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe.

4-mother-day.jpg
Ảnh minh hoạ

Ở Anh, các thành viên trong gia đình dù ở xa cũng sẽ cố gắng họp mặt đông đủ trong ngôi nhà của cha mẹ. Họ thường tổ chức một buổi tiệc có thiệp mừng, bánh ngọt, hoa quả, rượu và tặng quà cho những người mẹ.

Ở Pháp, Ngày của Mẹ là ngày để toàn thể người dân nhắc tới thiên chức sinh thành, dưỡng dục của người mẹ. Vào ngày này, cả gia đình cùng quây quần trong bữa tối và một chiếc bánh kem đặc biệt hình bó hoa sẽ được làm để dành tặng cho người mẹ.

Ở Nga, Ngày của Mẹ ban đầu được tổ chức cùng với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Sau Cách mạng tháng Mười, Vladimir I. Lenin đã công nhận đó là ngày nghỉ toàn quốc nhưng dưới hình thức lao động. Phải đến năm 1965, Ngày của Mẹ mới được quy định là ngày nghỉ để ghi nhận những thành quả tuyệt vời của phụ nữ Liên bang Xô Viết trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh yêu nước.

Ở Nhật Bản, ban đầu Ngày của Mẹ được quy ước lấy là sinh nhật của nữ hoàng Kojun, mẹ của vua Akihito và được kỷ niệm bắt đầu từ năm 1931. Ngày của Mẹ chính thức được công nhận là ngày lễ toàn quốc từ năm 1949. Ngày nay, ở Nhật, các bà mẹ được tặng những bông hoa cẩm chướng đỏ và hoa hồng trong “Ngày của Mẹ”. Tại đất nước hoa anh đào, những người con sẽ sum họp bên mẹ, uống trà và ôn lại những kỷ niệm trong gia đình. Trẻ em nước này sẽ vẽ những bức tranh dành tặng cho mẹ của mình và tập hợp những bức ảnh đó thành một cuộc triển lãm với chủ đề tình mẹ và sự hy sinh thầm lặng của mẹ.

Ấn Độ coi Ngày của Mẹ là dịp để họ suy nghĩ về tầm quan trọng của các bà mẹ trong cuộc sống của họ. Người Ấn Độ gọi ngày của mẹ là Durga Puja, trong đó Durga là tên của một nữ thần bảo vệ cho người dân Ấn Độ khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc sống. Họ tổ chức Ngày của Mẹ như một lễ hội lớn trong vòng mười ngày. Những người con sẽ vào bếp trổ tài nấu ăn và tặng quà cho mẹ của mình.

Ở Trung Quốc, các bà mẹ thường được tặng hoa cẩm chướng trong Ngày của Mẹ. Ngày lễ này đi liền với những giá trị truyền thống của Trung Quốc: Tôn trọng người cao tuổi và lòng hiếu thảo với cha mẹ.

Ở Philippines, người mẹ được tôn vinh và gọi là “ánh sáng của gia đình”. Trong ngày này, các bà mẹ được thư giãn, đi xem phim, đi chơi hay được dành thời gian riêng cho mình, trong khi những đứa con và các ông bố sẽ phải làm việc nhà thay mẹ.

Thanh Lam (t/h)