Bố mẹ nên làm gì khi lỡ mắng con
Phụ huynh nào cũng lỡ mắng con, nhưng điều quan trọng là cách xử lý sau đó.
Sau một năm làm việc ở nhà, Jessica Grose nghĩ mình có thể xử lý tốt mọi cảm xúc, cho đến khi bị con gái lớn xông vào phòng làm việc, một ngày giữa tháng 3.
“Con bé xông vào phòng làm việc của tôi bốn lần trong một tiếng để tìm đồ dù tôi đã nói là không có”, bà mẹ người Mỹ kể. “Quá tức giận, tôi quát con ra ngoài bằng cái giọng cực kỳ gay gắt”.
Sau sự to tiếng ấy, con gái Jessica rất buồn còn bà mẹ trẻ cũng hối hận. Tuy nhiên, dù rất muốn xin lỗi con để em nhỏ hiểu và thông cảm với mẹ, Jessica cũng không biết làm thế nào.
Ảnh: Smart Parenting.
Theo tiến sĩ Pooja Lakshmin, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học George Washington (Mỹ), bố mẹ nào cũng từng lỡ mắng con và hối hận vì chuyện đó. Mắng con không biến bạn thành phụ huynh tốt hay phụ huynh xấu mà đó chỉ là một phần của cuộc sống. Lưu ý, lỡ mắng con khác với các kiểu bạo hành tinh thần như liên tục chế giễu, chỉ trích đứa trẻ.
Bố mẹ không thể tránh khỏi việc lớn giọng hay mất bình tĩnh bởi chúng ta đều là con người. “Có quan điểm rằng trẻ em nên được bảo vệ khỏi mọi cảm xúc tiêu cực nhưng thực ra, đó là sự tích cực độc hại”, Jennie Hudson, giáo sư tâm lý học của Đại học New South Wales (Australia) nhận định. Theo chuyên gia, cảm xúc của con người rất đa dạng, trải từ vui đến buồn, tức giận, lo lắng.
Điều quan trọng không phải bạn có mắng con không mà là cách xử lý sau đó. Nếu hối hận vì những điều mình nói lúc nóng giận và không muốn trẻ tổn thương, phụ huynh hãy lưu ý những điều sau.
Thừa nhận sai lầm của mình
Theo tiến sĩ Hudson, sau khi bình tĩnh trở lại, hãy xin lỗi con và chia sẻ về cảm xúc của mình một cách dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi của bé. Bạn không cần trình bày quá chi tiết về lý do mình nổi cáu mà chỉ cần nói đơn giản: “Bố/mẹ xin lỗi vì đã quát con. Bố/mẹ đã mất bình tĩnh nhưng đó không phải lỗi của con”. Sau đó, hãy đưa ra các giải pháp mà đáng lẽ bạn nên thực hiện như đi dạo, hít thở sâu bởi điều đó sẽ giúp trẻ học được cách phản ứng phù hợp khi chính nó cáu giận.
Cho mình thời gian
Một chút thời gian riêng tư để bình tĩnh lại không chỉ dành cho trẻ con mà cần cho cả người lớn. “Nếu rối bời đến mức không thể nghĩ gì, hãy tạm thời lánh đi”, Alexandra Sacks, nhà tâm thần học tại New York nói.
Điều này không phải lúc nào cũng khả thi, nhất là trong trường hợp con bạn còn nhỏ hoặc bạn là phụ huynh đơn thân. Dù vậy, hãy cố dành thời gian gọi điện cho bạn bè hoặc hét vào gối để giải tỏa cảm xúc.
Nhớ rằng trẻ con chưa hoàn toàn tự kiểm soát được
Con gái Jessica đã 8 tuổi. Nhưng với bộ não vẫn đang phát triển, cô bé vẫn tò mò về những thứ mẹ làm đằng sau cánh cửa.
Nếu không muốn trẻ làm phiền lúc mình tập trung, bố mẹ hãy thử dán biển báo trên cánh cửa như một lời nhắc nhở và giúp trẻ chống lại “cám dỗ”. Tiến sĩ Alexa Mieses Malchuk, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về gia đình tại Đại học North Carolina gợi ý phụ huynh dùng thêm đồng hồ hẹn giờ. Khi trẻ muốn làm điều gì đó, hãy cài đồng hồ 30 phút và yêu cầu con chờ. Như vậy, bạn vừa dạy được trẻ tính kiên nhẫn, vừa xua đi sự thôi thúc trong con.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu bạn thấy mình thường xuyên dễ bị kích động và quát mắng con trong những tình huống không mấy nghiêm trọng, hãy tìm sự hỗ trợ hoặc giải tỏa. Sự hỗ trợ ở đây có thể là san bớt việc nhà cho người thân hoặc đi trị liệu tâm lý.
Vào buổi tối sau khi lỡ quát con, Jessica giải thích với bé gái về cơn cáu giậu của mình. “Giống như khi con bị em gái làm phiền lúc học bài ấy”, bà mẹ giải thích, khiến cô bé 8 tuổi gật gù đồng tình.
“Tôi cũng xin lỗi con và cảm thấy chúng tôi đều cảm thấy tốt hơn. Và tôi chắc chắn sẽ lắp ổ khóa vào cửa phòng ngủ của mình”, Jessica nói thêm.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)