Tác dụng tuyệt vời của trà hoa đậu biếc
Trà hoa đậu biếc là thức uống rất nhiều chị em tin dùng như một loại dược phẩm có sẵn trong thiên nhiên để cải thiện sắc đẹp và sức khỏe. Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy hoa đậu biếc có chứa nhiều chất oxy hóa và các hoạt chất sinh học, vừa giúp làm đẹp vừa có khả năng phòng ngừa tốt một số bệnh tật không mong muốn.
Tuy nhiên, nếu muốn hấp thụ trọn vẹn dinh dưỡng của trà hoa đậu biếc, bạn nhất định phải nắm được “thời điểm vàng” để thưởng thức loại nước này.
Thời điểm uống trà hoa đậu biếc tốt nhất
Uống trà đậu biếc đã nhiều nhưng không phải ai cũng biết đâu là thời điểm tốt nhất để sử dụng thức uống này. Nhiều chị em có thói quen hãm một bình trà hoa đậu biếc rồi đem theo uống trong cả ngày. Tuy nhiên theo các chuyên gia, “thời điểm vàng” để thưởng thức trà hoa đậu biếc đó là khi trà vừa được pha xong, uống lúc này sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà nhất, đồng thời hấp thụ được trọn vẹn dinh dưỡng nhất. Ngược lại, khi hãm quá lâu, trà hoa đậu biếc sẽ có màu sậm hơn, đậm hơn, làm giảm hương vị thơm ngon của trà. Đồng thời để càng lâu thì trà càng dễ bị oxy hóa, những chất chống oxy hóa trong trà cũng bị mất dần và vi khuẩn bắt đầu sinh sôi. Vừa ảnh hưởng đến chất lượng của trà lại vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Ngoài ra, bạn có thể uống trà hoa đậu biếc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng khoảng thời gian từ 3-5 giờ chiều hay là 30 phút trước giờ đi ngủ được đánh giá là thời điểm tốt nhất để trà hoa đậu biếc phát huy tối đa tác dụng trong việc làm giảm lượng mỡ thừa, trẻ hóa làn da, làm giảm căng thẳng lo âu, đồng thời giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
Theo lương y Hồng Thuý Hằng (Hội Đông y tỉnh Cà Mau): Việc sử dụng hoa đậu biếc đúng liều lượng sẽ mang lại nhiều công dụng cho sức khoẻ. Trung bình mỗi ngày, một người chỉ nên sử dụng khoảng 15 bông trở lại vì hoa đậu biếc vốn có tính hàn, lạm dụng sẽ gây ra tác dụng phụ nguy hại.
Nhiệt độ lý tưởng để pha trà hoa đậu biếc là từ 75-90 độ C. Vì khi pha trà ở nhiệt độ quá cao sẽ ảnh hưởng đến hương vị của trà. Ngược lại, nếu pha trà với nước quá nguội thì tinh chất trong trà sẽ không tiết ra được hết.
Tiêu thụ hoa đậu biếc đúng cách, phụ nữ sẽ nhận được những lợi ích gì?
1. Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư
Dù hoa đậu biếc không thể điều trị được bệnh ung thư, xong nghiên cứu cho thấy loại hoa này có khả năng chống oxy hóa cao, do đó có thể giảm tối đa sự hình thành các gốc tự do, ngăn chặn các tác động có hại của các gốc tự do gây ra.
Ngoài ra, chúng có thể hạn chế được sự phát triển tế bào ung thư và bảo vệ bệnh nhân trong quá trình xạ trị.
2. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Hoa đậu biếc cũng có thể làm tăng tiết insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm giảm một phần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
3. Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Hoa đậu biếc có chứa rất nhiều anthocyanins. Anthocyanins được chứng minh có thể hỗ trợ hoạt động chống oxy hóa, từ đó hỗ trợ sức khỏe tim mạch hiệu quả.
4. Giúp phụ nữ trẻ hóa, làm đẹp da
Cũng nhờ chứa lượng chất chống oxy hóa dồi dào mà hoa đậu biếc cũng được coi là một trong những loại hoa có khả năng chống lão hóa. Trong khi một số loài hoa và thảo mộc có các thành phần gây kích ứng da, thì tất cả các thành phần của hoa đậu biếc lại được chứng minh là an toàn cho da, giúp làm đẹp da hiệu quả.
5. Giảm căng thẳng
Nhà khoa học người Nga, Tiến sĩ Israel Brekhman đã dành hơn 40 năm để kiểm tra những lợi ích mà hoa đậu biếc đem lại cho sức khỏe, cuối cùng vị Tiến sĩ nhận ra rằng trà hoa đậu biếc không độc, thậm chí nó còn giúp điều chỉnh căng thẳng hiệu quả.
6. Giảm cân hiệu quả
Trà hoa đậu biếc được chứng minh là có chứa catechin EGCG (epigallocatechin gallate), một hợp chất quan trọng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, từ đó làm cho calories trong cơ thể được đốt cháy nhanh hơn. Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho biết trà hoa đậu biếc có công dụng phòng chống bệnh gan nhiễm mỡ và giảm mỡ bụng
Lưu ý:
Vì hoa đậu biếc tính hàn, có chứa anthocyanin có tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu nên đối với trường hợp bị huyết áp thấp, phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, người sắp phẫu thuật, người đang dùng thuốc đông máu không được sử dụng.
Hoài Nam (t/h)