Take a fresh look at your lifestyle.

Nơi nhân viên chỉ làm việc 4 ngày/tuần, lương không giảm

Trong 2 đợt thử nghiệm từ 2015-2019, 2.500 người trưởng thành, chiếm khoảng 1% dân số trong độ tuổi lao động ở Iceland, chỉ đi làm 4 ngày/tuần với mức thu nhập không giảm.
Các nhà nghiên cứu gọi thử nghiệm chỉ làm việc 4 ngày trong tuần đem lại thành công “ngoài mong đợi”, theo BBC.
Chương trình do Hội đồng thành phố Reykjavik và chính phủ Iceland khởi động, thực hiện bởi Hiệp hội Dân chủ Bền vững Alda tại nước này và tổ chức tư vấn chính sách Autonomy của Anh.
Mô hình làm việc 4 ngày/tuần giúp nhân viên tại Iceland có đời sống tinh thần chất lượng hơn. Ảnh minh họa: Alarmy.
Thử nghiệm ban đầu áp dụng cho khu vực công, sau đó áp dụng sang cả các đơn vị tư nhân. Các tình nguyện viên chỉ phải làm việc 35-36 giờ/tuần, giảm bớt các cuộc họp hành, giải lao không cần thiết. Mức thu nhập được giữ nguyên.
Những môi trường có nhân viên tham gia bao gồm trường mầm non, công ty văn phòng, các nhà cung cấp dịch vụ xã hội và bệnh viện.
Theo kết luận từ Alda, người lao động cho biết họ cảm thấy nhiều căng thẳng giảm tải khi làm việc theo mô hình này. Đồng thời, nguy cơ kiệt sức cũng xuống thấp, sức khỏe lẫn sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống cải thiện đáng kể.
Họ cũng cho hay quỹ thời gian dành cho bạn bè, người thân được mở rộng, tương tự với thực hiện sở thích cá nhân hoặc hoàn thành các công việc gia đình.
Trong khi đó, năng suất và tiến độ, hiệu quả làm việc vẫn được đảm bảo, thậm chí còn cải thiện ở nhiều môi trường làm việc.
Số giờ làm việc được cắt giảm bao gồm các cuộc họp không cần thiết, giảm bớt thời giờ uống cà phê, giúp nhân viên nghỉ sớm hơn. Ảnh minh họa: Golocal.
Báo cáo của Alda và Autonomy mô tả cuộc nghiên cứu 5 năm qua là ví dụ điển hình cho những quốc gia khác muốn học tập theo. Theo báo cáo này, khoảng 86% người lao động ở Iceland đang làm việc ít hơn 40 giờ/tuần hoặc giành được quyền rút ngắn giờ làm việc.
Will Stronge, giám đốc nghiên cứu tại Autonomy, cho biết: “Nghiên cứu này chỉ ra thử nghiệm lớn nhất thế giới từ trước đến nay về rút ngắn thời gian làm việc trong tuần đã thành công rực rỡ”.
Một số chương trình tương tự hiện được thực hiện ở các quốc gia khác, ví dụ như Tây Ban Nha và New Zealand. Ở Tây Ban Nha, sáng kiến này được thí điểm một phần do những thách thức mà dịch Covid-19 gây ra với các công ty, doanh nghiệp.
Còn tại New Zealand, tập đoàn Unilever cho phép nhân viên cắt giảm 20% giờ làm và lương không đổi.
Vào tháng 5, một báo cáo về chiến dịch Tuần lễ 4 ngày của tổ chức phi chính phủ Platform London chỉ ra thời gian làm việc ngắn hơn có thể cắt giảm đáng kể lượng khí carbon thải ra tại Vương quốc Anh.
Hiền Thy