Những điều cần lưu ý khi đi nắng về không nên làm
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, việc con người thay đổi môi trường đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc từ nóng sang lạnh có nguy cơ đột quỵ rất cao.
Trời nắng nóng, thân nhiệt tăng cao, cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn và gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời thì máu sẽ đặc hơn, lưu thông kém và làm tăng huyết áp.
Đang đi ngoài nắng 38-39 độ C về nhà bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp đột ngột sẽ làm chúng ta co mạch máu, tăng trương lực mạch máu, khiến huyết áp cao, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ, người bệnh sẽ có biểu hiện ban đầu như: Mệt mỏi, tê yếu, mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp, trụy mạch, sốt cao (39 – 40 độ C), hôn mê… Trường hợp nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Nhóm người nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ do thời tiết nắng nóng bao gồm: Trẻ em; người từ 65 tuổi trở lên; người có bệnh nền hoặc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; người thường xuyên làm việc, hoạt động dưới trời nắng, nhất là vào giữa trưa; người uống không đủ nước; người có thói quen uống rượu bia hoặc hút thuốc quá nhiều.
Chuyên gia khuyến cáo, để không gặp phải những hệ luỵ do sử dụng điều hoà, mọi người cần lưu ý không chạy vội vào phòng có điều hòa mát lạnh ngay sau khi vừa đi ngoài trời nắng nóng cao điểm, và ngược lại.
Cha mẹ cần hạn chế để điều hoà thổi trực thiếp vào người trẻ. Khi bị luồng không khí lạnh thổi thẳng vào cơ thể trong thời gian dài sẽ khiến máu không lưu thông, gây ra đau nhức, thậm chí là tê liệt các cơ. Sau khi bật điều hòa, cha mẹ nên điều chỉnh hướng gió cho thích hợp.
Sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể giảm, chúng ta không nên ngồi dưới quạt hay điều hòa luôn. Người có sức khỏe và sức đề kháng yếu nếu nằm điều hòa ngay sau khi tắm dễ gặp tai biến, và đột quỵ.
Các chuyên gia khuyến cáo, trường hợp người thân bị đột quỵ cần được phát hiện sớm, cấp cứu trong thời gian vàng. Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ thường được tính trong khoảng từ 3 – 4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói đớ, nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng.
Trong thời gian chờ đợi cấp cứu, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc. Người nhà nên giữ cho người bệnh tránh bị ngã, cho nằm cao đầu, lập tức đưa đến bệnh viện có sẵn điều kiện, máy móc, thuốc chuyên dụng để can thiệp đột quỵ kịp thời.
Bình An/TH