Khi nào ông bà nên can thiệp vào việc nuôi dạy cháu?
Các chuyên gia về hôn nhân thường khuyên ông bà không nên can thiệp vào việc dạy trẻ nhưng trong một số tình huống, sự “xuất hiện” của họ lại cần thiết và hữu ích.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Trẻ cư xử thô lỗ
“Giống như với mọi mối quan hệ khác, ông bà có quyền thiết lập ranh giới cho cách các thành viên trong gia đình đối xử với mình”, Carl Grody, một cố vấn gia đình ở Worthington, Ohio, Mỹ nói. Nếu cháu vô lễ với ông bà hoặc với người khác, ông bà nên lên tiếng: Cháu không được nói chuyện như vậy với người lớn, như thế là không ngoan. Tuy nhiên, nên để cho bố mẹ trẻ chủ động kỷ luật con mình.
Cách tốt nhất là ông bà nên nói với con mình về hành vi của cháu, để bố mẹ chúng tìm hướng dạy con phù hợp.
Cảm nhận thấy vấn đề thể chất của trẻ
Đôi khi cha mẹ quá gần gũi với con để có thể nhận thấy điều gì đó bất thường. Trong khi đó, ông bà đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm nuôi con cái, có thể có những cảm nhận đúng. Nếu bạn nhận thấy cháu mình bị chậm nói, có vấn đề về vận động hoặc gặp khó khăn với các kỹ năng xã hội thì bạn phải lên tiếng.
Amy Morin – nhà trị liệu tâm lý ở Lincoln, Maine – cho rằng vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được kiểm soát và can thiệp sớm. Do đó, nếu ông bà phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào của cháu, nên lập tức nói với con.
Sự an toàn của trẻ
Bạn nên nhắc nhở cha mẹ trẻ về các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ, bởi lẽ cha mẹ có thể không có nhiều kinh nghiệm trong việc này bằng bạn. Tuy nhiên, nên giới hạn số lần nhắc nhở. Bạn trực tiếp nhắc cháu đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp là hợp lý, nhưng đừng cứ thấy cháu dắt xe ra là lại nhắc bố mẹ trẻ.
Trong trường hợp bạn lo lắng về một vấn đề an toàn khác, ví dụ như cháu băng qua đường một mình, nên nói chuyện với con khi cháu không có mặt, như thế giữa hai người trưởng thành sẽ có một cuộc trao đổi nghiêm túc và cởi mở hơn.
Về dinh dưỡng
Liên quan đến chủ đề dinh dưỡng là câu chuyện nhạy cảm, bởi mỗi người cha mẹ có cách nuôi con khác nhau. Chuyên gia Grody khuyên: “Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ đưa ra những ý kiến tích cực bất cứ khi nào có thể, tuy nhiên nên tránh những lời khen có thể gây ra những cảm xúc lẫn lộn”. Ví dụ, nếu bạn thấy món cháo của trẻ có đủ rau, thịt, bạn nên khen: “Trông món ăn ngon mắt đấy”, thay vì “Cuối cùng thì cháu tôi cũng được ăn rau xanh”.
Kể cả nếu như bạn lo lắng về thói quen ăn uống của cháu mình hoặc những món ăn vặt có thể gây hại sức khỏe cho chúng, bạn hoàn toàn có thể gonếu bạn lo lắng về thói quen ăn uống của cháu mình hoặc những món ăn vặt mà chúng đang ăn, bạn hoàn toàn có thể góp ý với cha mẹ trẻ về những lựa chọn lành mạnh và đưa ra những gợi ý, nhưng nhớ đừng chỉ trích con.
Các vấn đề quan trọng
Liên quan tới các vấn đề lớn như lạm dụng thể chất hoặc tình dục, sự bỏ bê, tổn hại tiềm tàng… có thể xảy ra với trẻ, ông bà không bao giờ nên im lặng. Giữ an toàn cho cháu là ưu tiên hàng đầu của ông bà. Tuy nhiên, nên có cách giao tiếp thận trọng, khéo léo, tránh gây cảm xúc tâm lý tiêu cực cho con cái.
Thùy Linh (Theo Considerable)