Take a fresh look at your lifestyle.

CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có lúc gặp phải những khó khăn, trở ngại. Đặc biệt với những người khuyết tật, khó khăn, rào cản là không hề nhỏ. Và trong hành trình vượt khó ấy, nhiều người đã luôn chăm chỉ làm việc, nỗ lực vươn lên số phận để trở thành những người hữu ích.  Đây sẽ là câu chuyện được chúng tôi nhắc đến hôm nay, nhân Ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4.
Dù không thể nói và cũng chẳng thể nghe, bảng viết chính là phương tiện để nhân viên của tiệm giặt này giao tiếp với khách hàng. Nhưng họ luôn cố gắng, nỗ lực làm việc để tạo sự tin tưởng cho khách hàng.
Chị Thùy Linh – Khách giặt đồ
“Tôi rất hài lòng về tiệm giặt này, dịch vụ rất tốt, đồ thì rất sạch, các bạn nhân viên cởi mở, thân thiện với khách hàng.”
Chị Trịnh Thị Thu Huyền – Khách giặt đồ
“Thấy bảng viết thì tôi hiểu, thì ra các bạn trao đổi bằng bảng viết. Nên tôi thấy mọi việc cũng thuận tiện, chỉ khác là mình thêm công đoạn viết tay một chút cho các bạn hiểu, còn không có gì thay đổi. Còn chất lượng giặt của các bạn rất tốt, sạch, rất có tiếng ở khu này.”
Khi xây dựng một kế hoạch kinh doanh với người bình thường đã khó, với người khuyết tật lại càng là một thử thách lớn.
Chị Lương Thị Kiều Thúy – Người sáng lập “Tiệm giặt là người điếc”
“Khi đào tạo nhân viên, thì họ lại có những trình độ về ngôn ngữ kí hiệu khác nhau và tôi sẽ phải đưa ra một cái kế hoạch định hướng cho nhân viên, để phù hợp với từng người. Bản thân họ thì có người giỏi điểm này, người lại yếu điểm kia. Lúc đầu khó khăn như vậy nhưng sau này khách hàng đã quen rồi và quay lại nhiều lần, mọi thứ diễn ra bắt đầu trơn tru.”
Anh Nguyễn Xuân Trường – Nhân viên “Tiệm giặt là người điếc”
“Khi gặp khách hàng, họ viết những câu rất dài, tôi cũng cảm thấy 1 chút khó khăn và tôi sử dụng điệu bộ viết ra những từ ngắn gọn hơn và khách hàng đồng ý. Sau đó thì tôi giặt và làm thật cẩn thận, sạch sẽ, khi khách hàng thấy hài lòng thì tôi cũng rất là vui.”
Không chỉ đơn thuần là một cửa hàng kinh doanh dịch vụ, tiệm giặt này còn là mái ấm tràn ngập tình yêu thương, hy vọng cho những người kém may mắn.
Chị Lê Thu Ngân – Nhân viên “Tiệm giặt là người điếc”
“Tôi rất mong muốn có nhiều khách hơn, để tôi có thể đem lại dịch vụ tốt cho khách hàng và cửa hàng được mở rộng hơn nữa.”
Chị Nguyễn Thị Xuân – Nhân viên “Tiệm giặt là người điếc”
“Tôi mong muốn sau này mình có thể mở tiệm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình.”
Chị Lương Thị Kiều Thúy – Người sáng lập “Tiệm giặt là người điếc”
“Trong tương lai tôi hy vọng có thể phát triển tiệm giặt này, mở rộng nhiều hơn nữa trên toàn quốc, để nhiều người điếc có cơ hội việc làm hơn. Và họ có thể tự sống bằng nghề giặt là. Và thông qua công việc này tôi cũng mong muốn những người khuyết tật khác tự tin, sống là chính mình.”
Có được một công việc ổn định là mong ước của bất cứ người khuyết tật nào. Họ luôn khao khát được cống hiến, đóng góp cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, mỗi dạng khuyết tật lại có những rào cản riêng. Bởi vậy để người khuyết tật có thể hòa nhập, bình đẳng với mọi người trong việc tiếp cận cơ hội việc làm thì rất cần những mô hình phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt là với những người lao động khuyết tật ở nông thôn./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Truyền Hình Thông Tấn