Take a fresh look at your lifestyle.

Cho con tiền tiêu vặt thế nào là đúng và đủ?

“Cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt là đủ?” là câu hỏi thường gặp của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không nằm ở định lượng số tiền mà ở việc hướng dẫn con dùng tiền đúng đắn, thông minh.
Tiền tiêu vặt và nỗi lo sợ vô hình của các phụ huynh
Có thể thấy việc cho con một khoản tiền tiêu vặt thường kéo theo nhiều nỗi lo sợ vô hình của các vị phụ huynh. Không ít người sợ con cầm tiền sẽ chi tiêu vào những thứ không cần thiết, nảy sinh nhiều thói hư tất xấu. Chị Huyền, phó giám đốc một công ty xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết “Con mình còn nhỏ không cần dùng tiền, đi học nhà trường lo cho phần ăn uống còn về nhà cha mẹ chu cấp đầy đủ. Cho tiêu tiền sớm lại sinh hư.”
Trái với chị Huyền, anh Long, ở quận 7, khá hào phóng khi cho con trai 9 tuổi một khoản tiền tiêu vặt cố định mỗi tuần, với lý do sợ con phải chịu thiệt thòi so với các bạn. Anh chia sẻ con đang học trường quốc tế, bạn bè trong lớp con luôn có ít tiền tiêu vặt để thỉnh thoảng xuống căn tin ăn uống. “Giá một chai nước khoảng 10 ngàn rồi nên anh “khoán” một ngày ba chục, một tuần hai trăm ngàn”. Anh cũng không yêu cầu con phải lên kế hoạch chi tiêu vì cho rằng điều đó sẽ khiến con có thói tính toán chi li.
Điểm chung của cả hai kiểu phụ huynh kể trên là thiếu sự hướng dẫn con cái chi tiêu một cách đúng mực. Những nỗ sợ vô hình đang đẩy các bậc phụ huynh về hai thái cực đối lập: hoặc quản lý rất chặt chẽ việc chi tiêu, hoặc cho tiêu xài thoải mái mà không giải thích cho con thế nào là chi tiêu đúng đắn, thông minh.
Dạy con trách nhiệm với khoản tiền của riêng mình
Trong serie Dạy con về tiền, MC Diệp Chi khẳng định việc cho bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện mỗi gia đình chứ không có công thức chung, điều quan trọng nhất nằm ở việc hướng dẫn con sử dụng đồng tiền thế nào.
Cho con tiền tiêu vặt thế nào là đúng và đủ? - Ảnh 1.

MC Diệp Chi chia sẻ kinh nghiệm dạy con chi tiêu dựa trên Giáo trình Cha Ching, do Prudential phối hợp JA Việt Nam thực hiện.

Nữ BTV xinh đẹp cho biết, theo kinh nghiệm được học từ các chuyên gia, trẻ trên 6 tuổi đã có những khái niệm về những con số và phụ huynh đã có thể giúp con hiểu về giá trị đồng tiền, hình thành thói quen tích lũy, chi tiêu dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu khi trẻ còn háo hức và muốn mua rất nhiều thứ, Diệp Chi nhấn mạnh việc phụ huynh cần giữ được kỷ luật và không phá vỡ nguyên tắc đã thỏa thuận với con.
Đồng tình với quan điểm này, anh Nhân – làm việc tại một công ty du lịch – cho biết vợ chồng anh thường cho con tiền theo tuần để ăn trưa ở trường. Số tiền được trao đổi rõ với cậu con trai và giao vào đầu tuần. Theo đó, cậu bé có thể tự chọn món ăn trưa, phần tiền còn lại nếu có anh dạy con bỏ ống heo tiết kiệm. Quan trọng là anh và vợ đều thống nhất trong cách dạy con về tiền có kỷ cương và đồng hành cùng con trong quá trình thực hiện.
PGS. TS. Trần Thành Nam cũng cho rằng: “Năng lực quản lý tài chính là một trong những kỹ năng cần thiết cho thế hệ alpha. Các vị phụ huynh hãy giảm chỉ trích, tăng chỉ dẫn khi dạy con về tiền. Đừng lo về việc con mắc sai lầm mà thay vào đó hãy chủ động hướng dẫn con để trẻ có thể trưởng thành, tự lập và có trách nhiệm với chính khoản tiền của mình.”
Những bài học chi tiêu đầu tiên cha mẹ nên dạy con
1. Phân biệt nhu cầu và mong muốn
Trẻ có xu hướng hành động theo bản năng chứ chưa hiểu rõ và phân biệt được khác biệt giữa cần và muốn. Do đó, để hướng dẫn con chi tiêu hợp lý, cha mẹ cần giải thích khái niệm nhu cầu và mong muốn. Bằng những ví dụ quen thuộc, hãy giải thích rằng nhu cầu là những thứ cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân trẻ và gia đình như thức ăn, còn mong muốn là những món đồ chưa cần ngay lập tức và cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống nếu không có như đồ chơi hay bánh kẹo.
2. Làm quen với các khoản chi tiêu khác trong gia đình
Cha mẹ có thể nâng tầm bài học lên bằng cách cho phép con tham gia các hoạt động chi tiêu của cả gia đình. Bên cạnh việc cho con tham gia lên kế hoạch chi tiêu trong gia đình, dẫn con đi mua sắm cũng là cơ hội để phụ huynh hướng dẫn con cách so sánh giá cả để đưa ra quyết định chi tiêu đúng đắn. Được học từ chính cha mẹ mình sẽ giúp trẻ có một hình mẫu để noi theo, nhớ bài tốt hơn và nhanh chóng hình thành thói quen dùng tiền đúng mực.
3. Hiểu rõ các hình thức tiêu tiền khác nhau
Đa phần các bậc phụ huynh dựa vào kinh nghiệm của bản thân để dạy con sử dụng tiền thay vì tham khảo một chương trình học bài bản. Nhiều cha mẹ hiện nay đang tiêu tiền qua thẻ hay ví điện tử khiến trẻ không hình dung được đây cũng là một hình thức tiêu tiền. Hãy để trẻ hiểu cả những chi tiêu vô hình như tiền internet, phí dịch vụ một cách từ tốn, đơn giản.
Dạy con về tiền là cả một quá trình dài cần chính các phụ huynh trau dồi kiến thức mỗi ngày. Trong đó, chi tiêu thông minh là một trong những kỹ năng khó, đòi hỏi cha mẹ phải đảm bảo kỷ luật và giám sát thường xuyên. Hãy trở thành những ông bố bà mẹ thông thái, “giám chỉ trích, tăng chỉ dẫn” cho con khi dạy về tiền để trẻ lớn lên có trách nhiệm và tự lập với quỹ tài chính của mình.
ST