Cách nhận biết và phòng ngừa bệnh viêm họng hạt
Viêm họng hạt là bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết giao mùa, đặc biệt từ nóng sang lạnh. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị dứt điểm.
Viêm họng hạt là gì?
Viêm họng hạt là một dạng của viêm họng mãn tính, xảy ra do tổ chức bạch huyết của cơ thể bị suy yếu, rơi vào tình trạng nhạy cảm, yếu ớt. Lúc này, các lympho sau thành họng bị viêm nhiễm, tạo thành các hạt trong cổ họng.
Các hạt thường được hình thành ở phía sau thành họng. Kích thước to nhỏ khác nhau, có thể to bằng hạt ngô. Những hạt này luôn bị kích thích khiến người bệnh ngứa đau rát cổ họng, đau họng khi nuốt nước bọt và khó khăn khi nuốt.
Đây là một căn bệnh hô hấp phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ và người có cơ địa yếu. Viêm họng hạt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Căn bệnh viêm họng hạt, cũng như viêm họng thường có xu hướng xảy ra nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Bệnh gồm: Viêm họng hạt cấp và viêm họng hạt mãn tính.
Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 80% người Việt mắc các bệnh về họng, trong đó 45% bị viêm họng hạt. Viêm họng hạt khó điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát.
Ảnh minh họa
Triệu chứng dấu hiệu viêm họng hạt
Thời gian ủ bệnh của viêm họng hạt thường kéo dài từ 2 – 5 ngày. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và diễn tiến viêm họng hạt mà người bệnh gặp phải những dấu hiệu triệu chứng sau:
– Đau rát, khô rát cổ họng
– Sốt
– Đau khi nuốt, khó nuốt, ăn mất ngon
– Sưng hạch bạch huyết
– Cổ họng luôn có cảm giác vướng víu nên thường khạc nhổ
– Người mệt mỏi, khó chịu
– Cổ họng đỏ có mảng xám hoặc trắng
– Ớn lạnh
– Hơi thở có mùi hôi
Ảnh minh họa
Nguyên nhân bị viêm họng hạt
Nguyên nhân chính gây viêm họng hạt phải kể tới vi khuẩn, virus, nấm. Ba yếu tố này lần lượt tấn công niêm mạc họng theo trình tự: Virus phá hủy niêm mạc họng tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập gây viêm. Lúc này, các tế bào lympho bảo vệ cơ thể phải làm việc liên tục dễ bị kiệt sức và tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh lấn át, gây viêm nhiễm mạnh hơn dẫn tới viêm họng hạt.
Ngoài ra, bệnh viêm họng hạt mãn tính cũng có thể là biến chứng từ các bệnh lý như viêm họng không được điều trị tốt, viêm xoang, viêm mũi, viêm amidan mãn tính, hội chứng trào ngược dạ dày, suy gan, rối loạn dạ dày ruột,…
Đặc biệt, nếu một người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn đồ cay nóng hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
Do vậy, để phòng viêm họng hạt hiệu quả, điều đầu tiên cần làm là bảo vệ bản thân khỏi những yếu tố gây bệnh này. Trường hợp mắc viêm họng hạt cần tiến hành khám và điều trị sớm ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường của bệnh.
Ảnh minh họa
Biến chứng của viêm họng hạt
Biến chứng của viêm họng hạt không nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh thường xuyên tái phát, gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của người mắc.
Có thể kể đến các biến chứng viêm họng hạt thường gặp như:
– Xuất hiện tình trạng viêm nhiễm tại hầu họng, áp xe, hay sưng amidan.
– Hình thành bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp như: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản…
– Tình trạng viêm họng tái phát nhiều lần, liên tục có thể dẫn đến triệu chứng ho ra máu rất nguy hiểm
– Bệnh kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, hình thành các bệnh như viêm khớp, viêm cầu thận…
Ảnh minh họa
Cách phòng ngừa viêm họng hạt tái phát
Bệnh viêm họng hạt có thể được phòng ngừa bằng cách:
– Vệ sinh đường hô hấp trên hằng ngày như vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
– Điều trị dứt điểm bệnh viêm họng ban đầu, khi chưa quá nặng, không để bệnh trở thành mạn tính.
– Tránh hít phải khí độc hại trong hầm lò, nhà máy, hóa chất. Khi đi ngoài đường, nơi khói bụi, ô nhiễm phải đeo khẩu trang
– Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Giữ ấm cổ và cơ thể, hạn chế ăn kem, uống nước đá lạnh, bia rượu…
– Nâng cao sức đề khàng cho cơ thể bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất, tập thể dục hàng ngày
– Cần thăm khám bác sĩ khi phát hiện dấu hiệu bệnh viêm họng hạt để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và chỉ định điều trị phù hợp, tránh tự ý dùng thuốc hoặc điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh dai dẳng, khó chữa dứt điểm.
Mai Linh/TH