Bệnh đái tháo đường nguy hiểm nhưng nhiều người chủ quan
Nắm rõ bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là gì và nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp người bệnh xác định hướng chăm sóc đúng.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Ảnh minh họa
Phân loại đái tháo đường gồm:
+ Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
+ Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
+ Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó).
Nguyên nhân mắc bệnh đái tháo đường
Do tuyến tụy không tự sản xuất được insulin hoặc sản xuất đủ nhưng không hoạt động bình thường. Insulin là một loại kích thích tố, hormone có vai trò hộ tống chất đường trong máu đi nuôi các tế bào. Khi thiếu insulin đường không thể chuyển tới các tế bào do đó phải thải qua đường nước tiểu.
Bên cạnh đó các yếu tố bao gồm di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì… là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Tùy theo từng dạng bệnh mà có những nguyên nhân khác nhau:
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 1:
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là do thiếu Insulin, do cơ thể không tự sản xuất được bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể bởi tuyến tụy bị tấn công và phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở đối tượng là trẻ em và những người dưới 30 tuổi. Các yếu tố nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường type 1 được xác định bao gồm:
– Di truyền: Gen là yếu tố quan trọng làm phát triển bệnh đái tháo đường type 1. Nếu trong gia đình có bố, mẹ bị mắc bệnh thì tỉ lệ con cái sinh ra có nguy cơ mắc phải sẽ khá cao. Tuy nhiên, không thể không loại trừ nguyên nhân này vì có thể có trường hợp không có sự tác động của các yếu tố gen gây bệnh lên hệ miễn dịch làm phá hủy các tế bào tạo ra insulin trong cơ thể người con.
– Hệ miễn dịch: Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm sẽ khiến cho tế bào bạch cầu tấn công tế bào beta. Từ đó khiến cho tuyến tụy bị suy giảm và mất dần khả năng sản xuất insulin ổn định trong cơ thể.
– Yếu tố bên ngoài môi trường: Các yếu tố về môi trường, thực phẩm, chế độ ăn uống, nhiễm khuẩn hay độc tố nhiễm vào cơ thể cũng là nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường type 1.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2:
Kháng Insulin là vấn đề chính trong bệnh tiểu đường tuýp 2. Đối tượng bị bệnh đái tháo đường type 2 thường ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, bệnh đang ngày càng trẻ hóa gây ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt và cả tính mạng người bệnh. Các nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2 bao gồm:
– Di truyền: Gen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh đái tháo đường type 2 làm giảm khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy.
– Béo phì và ít vận động: Đây là nguyên nhân chính và chủ yếu gây bệnh đái tháo đường type 2. Nếu trong cơ thể có nhiều lượng calo dư thừa sẽ gây ra tình trạng kháng insulin. Thêm vào đó, nếu người bệnh lười vận động sẽ tác động tới tuyến tụy và gây áp lực ép tuyến tụy phải sản xuất insulin, trong thời gian dài tuyến tụy sẽ suy yếu và mất dần đi khả năng sản xuất insulin gây nên bệnh đái tháo đường.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường thai kỳ:
– Thừa cân, béo phì trước khi mang thai.
– Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.
– Tiền sử từng bị đái tháo đường thai kỳ ở những lần mang thai trước.
– Tiền đái tháo đường (Đường huyết cao nhưng chưa đủ chuẩn chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2).
Biến chứng bệnh đái tháo đường
Những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng.
Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. Người lớn đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Ảnh minh họa
Bệnh võng mạc tiểu đường là một nguyên nhân quan trọng gây mù do sự tích tụ lâu dài của các mạch máu nhỏ trong võng mạc 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận .
Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Do đó những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên.
Phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Giảm cân
Giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản nhất để thoát khỏi vòng nguy hiểm của căn bệnh đái tháo đường. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Theo các bác sĩ, ngay cả đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, chúng ta cũng có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm cân. Điều quan trọng là kiểm soát được lượng calo bổ sung vào cơ thể mỗi ngày và chăm chỉ tập luyện thể thao đều đặn.
Ăn nhiều rau xanh
Ảnh minh họa
Đây là cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định. Nếu thường ăn sáng với những đồ ăn nhiều dầu mỡ thì hãy đổi vị bằng những món nhiều rau quả, salad. Thường xuyên ăn nhiều rau xanh là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh đái tháo đường.
Uống cà phê
Cà phê giúp tránh được bệnh tiểu đường rất tốt. Một số nghiên cứu cho thấy, cà phê hoặc đúng hơn là caffeine có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường một cách an toàn. Chúng ta nên uống đều đặn 1 ly cà phê mỗi sáng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Không ăn thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn nên hạn chế loại đồ ăn này bất cứ lúc nào có thể.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý
– Nên ăn trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa…
– Nên hạn chế ăn những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo…
– Ăn chừng mực: Không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều.
– Ăn những thực phẩm tự nhiên, chế biến đơn giản để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn.
– Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
– Lượng bột đường vừa đủ theo nhu cầu hoạt động của cơ thể, tránh dư thừa dễ làm tăng cân.
– Nên ăn các loại thịt nạc bỏ da, ăn cá nhiều hơn thịt. Ăn thêm các loại đạm thực vật như đậu hũ, các loại đậu khác.
– Hạn chế mặn, nếu có cao huyết áp chỉ dùng ít hơn 1/2 muỗng cà phê muối/ngày kể cả nêm nếm trong thức ăn.
– Uống sữa để phòng ngừa bệnh đái tháo đường.
Hà Phương/TH