Bí quyết bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng trên 40 độ C
Theo dự báo, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt trong đó bao gồm thủ đô Hà Nội, có thời điểm nhiệt độ cao nhất lên tới trên 40 độ C, nhiệt độ phổ biến trong khoảng 37-40 độ. Vậy cần làm gì để nắng nóng không ảnh hưởng sức khỏe của bạn?
Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, người dân cần áp dụng những biện pháp chống nắng, nóng như sau:
Không nên ở dưới trời nắng quá lâu
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải ra ngoài chúng ta nên đội mũ,mặc quần áo dài , đeo khẩu trang, kính, sử dụng quần áo chống nóng. Tránh tiếp xúc trực tiếp dưới trời nắng. Điều đó sẽ làm chúng ta nhanh mất nước và mệt mỏi. Nếu phơi mình ngoài nắng lâu nếu thấy hoa mắt, chóng mặt, khó chịu… là biểu hiện nhẹ của say nắng.
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải ra ngoài chúng ta nên đội mũ,mặc quần áo dài , đeo khẩu trang, kính, sử dụng quần áo chống nóng. Tránh tiếp xúc trực tiếp dưới trời nắng. Điều đó sẽ làm chúng ta nhanh mất nước và mệt mỏi. Nếu phơi mình ngoài nắng lâu nếu thấy hoa mắt, chóng mặt, khó chịu… là biểu hiện nhẹ của say nắng.
Thực tế vào mùa hè, say nắng thường gặp khi phải lao động hoặc đi bộ lâu ngoài nắng, nhất là buổi trưa khi trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại. Thời điểm dễ bị say nắng là vào buổi giữa trưa. Người dễ bị say nắng là người già, trẻ nhỏ và những người lao động trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, người có bệnh lý mạn tính.
Biểu hiện đầu tiên là nhức đầu nặng, tăng nhiệt độ cơ thể, nôn và buồn nôn, chóng mặt và ngất xỉu, tăng nhịp tim, cơ bắp căng, da ửng đỏ, mũi chảy máu… Nếu không giải nóng kịp thời sẽ có biểu hiện nặng hơn như hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh yếu khó bắt, ngất xỉu. Say nắng có thể gây biến chứng não nguy hiểm, liệt, méo miệng, nói ngọng, mất khả năng học và nhớ… Nếu có biểu hiện trên cần tìm ngay chỗ râm mát để trú hoặc uống nước, vẩy nước mát lên người… rồi nhanh chóng về nhà hoặc tìm nơi nghỉ ngơi để giải nóng – cũng là cách sơ cứu say nắng nhẹ.
Nếu không bù nước, giải nóng ngay mà tiếp tục ở ngoài trời thì nguy cơ sốc nhiệt nặng hơn rất dễ xảy ra, đặc biệt nguy hiểm với những người không có dự phòng say nắng.
Bù nước cho cơ thể
Cơ thể con người vốn cần cung cấp đủ nước, mỗi ngày cần uống đủ 2 lít nước. Nắng nóng mùa hè là thời điểm cơ thể cần bổ sung nhiều nước hơn. Cần khoảng 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Để chống mất nước, sốc nhiệt thì bạn cần bù nước cho cơ thể.
Uống nước lọc rất tốt cho cơ thể nhưng không đủ, mùa hè lượng mồ hôi mất đi nhiều hơn do các hoạt động thể lực, hoạt động hay làm việc ngoài môi trường nắng nóng. Việc bù nước được thực hiện bằng cách uống nước pha loãng muối đường (oresol) vừa giúp cung cấp nước vừa giúp cung cấp điện giải mất đi theo mồ hôi. Không nên uống quá nhiều nước lạnh, nước đá.
Mùa hè lượng mồ hôi mất đi nhiều hơn, nên chú trọng việc bù nước cho cơ thể.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi… Ngoài ra, nên bổ sung hoa quả chứa nhiều vitamin C như cam, bưởi… để tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa nắng nóng.
Các loại nước dừa, nước cam, nước chanh,… giúp làm giảm nhiệt độ của cơ thể. Ngoài ra các loại đồ uống này chứa nhiều muối giúp ngăn ngừa sự mất nước. Khi uống nước chanh nên thêm muối có hiệu quả giúp cân bằng độ mồ hôi của cơ thể, tránh tình trạng mất nước vào mùa hè.
Các loại nước dừa, nước cam, nước chanh,… giúp làm giảm nhiệt độ của cơ thể.
Không dùng điều hòa quá lạnh, để thẳng quạt vào người
Thói quen phả thẳng quạt hoặc điều hòa vào người là thói quen không tốt, bởi nó gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Nếu để điều hòa hoặc quạt thổi thẳng vào người trong thời gian dài thì sẽ khiến mồ hôi bốc hơi nhanh, giảm bài tiết, khiến cơ thể thiếu nước. Khi đó, nếu không dung nạp đủ lượng nước cho cơ thể sẽ bị thiếu nước, dẫn đến tình trạng uể oải mệt mỏi thiếu năng lượng làm việc. Từ đó tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dẫn tới dễ bị nhiễm lạnh, trúng gió, cảm cúm, đau họng, thậm chí cả tiêu chảy…
Vì những ảnh hưởng sức khỏe trên, cần lưu ý: Không sử dụng quạt, điều hòa trong thời gian dài. Nên có những quãng nghỉ từ 15 – 20 phút sau thời gian bật liên tục. Không bật quạt số cao nhất hay bật điều hòa ở nhiệt độ thấp nhất để thổi vào một phần cố định của cơ thể. Luôn nằm cùng hướng thổi của quạt, điều hòa, không để thổi trực tiếp vào mặt. Tránh thay đổi nhiệt độ điều hòa đột ngột. Nên mở cửa phòng sau khi sử dụng điều hòa cho không khí lưu thông.
Đội mũ nón khi đi ra ngoài
Đeo khẩu trang và mặc quần áo chống nắng có độ dày thích hợp là biện pháp đơn giản chăm sóc làn da trước tia cực tím. Nên chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi, vừa bảo vệ được da từ tia cực tím mà không ngăn cản việc hấp thụ vitamin D từ trong ánh mặt trời. Các mạch máu ở đầu và cổ nằm gần da, vì vậy cơ thể dễ bị nóng hoặc mất nhiệt nhanh. Do đó, cần bảo vệ đầu cổ bằng cách đội mũ mặc áo chống nắng…
Ngoài ra, đôi mắt có thể bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời, gây nên tình trạng khô, nhức mỏi, đỏ mắt. Bởi vậy, nên đeo kính râm có khả năng chống tia UV khi ra ngoài trời nắng để bảo vệ mắt trước tác động của ánh nắng mặt trời.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo:
Người dân nên ăn thức ăn, uống nước đã nấu chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Các gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy); loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng…
Hà Thanh/TH