Take a fresh look at your lifestyle.

Vợ Quyền Linh chăm hàng trăm gốc hồng không cần thuốc trừ sâu

Hàng trăm gốc hồng Anh, Pháp, Nhật và hồng cổ trong khu vườn nhà Dạ Thảo nở to như bát ăn cơm, không sâu bệnh nhờ 7 yếu tố chính.

Trải qua hơn 3 năm chăm sóc hoa hồng, chị Nguyễn Dạ Thảo – vợ Quyền Linh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và chia sẻ tới độc giả Ngoisao.net một số bí quyết hữu ích. Theo chị, để chăm hoa thành công cần đến 7 yếu tố khác nhau.

Những đoá hồng nở to, dày trong vườn nhà Quyền Linh - Dạ Thảo.

Những đoá hồng nở to, dày trong vườn nhà Quyền Linh – Dạ Thảo.

1. Môi trường sống

Trước khi chọn sân thượng là nơi đặt chậu hoa hồng, chị Dạ Thảo đã thử nghiệm đặt cây ở các vị trí như dưới sân nhà, dưới mái hiên – nơi không có ánh nắng chiếu thẳng. Sau đó, chị nhận thấy cây chỉ phát triển mạnh khi được trồng nơi thông thoáng, ở vị trí có nhiều nắng kéo dài ít nhất 4 tiếng đối với thời tiết nắng nóng ở TP HCM.

Tuy nhiên, sân thượng lại là nơi hứng nắng, mưa và gió, chịu nhiều ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết, dễ gây hỏng hoa. Thế nên, vào những đợt mưa lớn hoặc nắng nóng kéo dài, chị Thảo dùng tấm nhựa để che mặt chậu. Mặt khác, để giữ hoa tươi lâu hơn, chị làm sẵn một mái hiên cố định vẫn đảm bảo độ thoáng khí, ánh sáng cho cây. Cây nào đang nở hoa chị đưa vào hiên, khi hoa tàn thì lại chuyển ra ngoài.

Trong trường hợp không có tấm nhựa và mái hiên, bạn có thể làm giàn lưới che. Khi chăm cây, chị Thảo nhấn mạnh bạn tuyệt đối không phủ rơm rạ trên bề mặt chậu cây, vì đây là một trong những điều kiện cho sùng đất sinh sôi và phát triển. Sùng đất sẽ ăn rễ non của cây hoa hồng, làm cây suy yếu, có thể dẫn đến chết cây.

Chị Thảo thường ưu tiên chọn chậu nhựa vì nhẹ và tự chị có thể kéo chậu, thay chậu. Khi mua chậu trồng hoa, bạn cũng cần chọn chậu có kích thước phù hợp với gốc và tán cây, chậu có đủ lỗ thoát nước để hạn chế hiện tượng bị ngập nước.

2. Đất trồng

Cần đảm bảo đất có độ tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt, có khả năng giữ ẩm và đủ dinh dưỡng. Sau khi mua đất sạch về, chị Thảo trộn thêm khoảng 5% phân bò hoai mục và 5% phân trùn quế. Chị thay đất trồng định kỳ 9-12 tháng/lần. Khi cây quá lớn mà chưa thể thay đất, chị Thảo lấy ra một phần đất cũ và bổ sung thêm đất mới đã được trộn với tỉ lệ như trên.

Chăm hoa hồng cực nhưng khi cây trổ hoa thơm ngát, chị Thảo như quên hết mọi mệt nhọc.

Chăm hoa hồng cực nhưng khi cây trổ hoa thơm ngát, chị Thảo như quên hết mọi mệt nhọc.

3. Giống cây

Phần lớn các cây hoa hồng ở nhà Dạ Thảo – Quyền Linh là giống hồng ngoại. Chị lưu ý người thích trồng hoa hồng cần chọn nơi bán uy tín, chuyên nghiệp để được tư vấn về giống cây phù hợp với vùng, khí hậu và khu vườn của bạn.

4. Cách trồng

Chị Thảo thường trồng cây vào lúc chiều mát, tránh các ảnh hưởng thời tiết xấu cho cây, vì cây có thể bị mất sức trong quá trình vận chuyển và thay đổi môi trường sống. Khi nhận cây về, nếu cây đang có nụ hoặc hoa, chị sẽ dùng kéo chuyên dụng cắt tỉa toàn bộ để tập trung dưỡng cây.

Tiếp đến là bước chuẩn bị chậu và đất trồng. Bạn đổ vào chậu một lớp đất. Tiếp theo, thao tác nhẹ nhàng khi lấy bầu cây ra, tránh làm vỡ bầu đất, đứt rễ. Đặt bầu cây vào giữa chậu, rồi bổ sung thêm đất trồng (lấp xung quanh cây), dùng tay nhấn đất để gốc không bị lỏng. Lớp đất sau khi bỏ vào nên thấp hơn miệng chậu khoảng 10cm để hạn chế đất tràn ra ngoài khi tưới nước. Sau đó, dùng que chống cố định cây; cột chặt thân, cành vào các que để giúp cây có thể đứng thẳng và hạn chế bị lay gốc khi gặp gió.

Khi trồng xong, tưới đủ nước để đất được ẩm đều. Bạn nên tưới từ từ cho đến khi thấy dưới đáy chậu có nước chảy ra. Đặt chậu nơi thoáng mát 1-5 ngày, tưới ít nước trong thời gian này, sau đó đem ra nắng và tăng lượng nước tưới.

Con gái Lọ Lem của cặp vợ chồng thu hoạch hoa hồng trong vườn nhà.  Sân thượng với hàng trăm gốc hồng ngoại và hồng cổ được chị Dạ Thảo đặt tên Khu vườn của Ngọc - Thảo - Linh.

Con gái Lọ Lem của cặp vợ chồng thu hoạch hoa hồng trong vườn nhà. Sân thượng với hàng trăm gốc hồng ngoại và hồng cổ được chị Dạ Thảo đặt tên ‘Khu vườn của Ngọc – Thảo – Linh’.

5. Tưới nước

Việc tưới nước phụ thuộc vào tình trạng thực tế của cây. Cây lớn, cây nhỏ, cây khỏe, cây bệnh, thời tiết nắng, mưa, giống cây khác nhau… cần chế độ nước khác nhau. Thiếu nước hay thừa nước đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Trong những ngày nắng gắt, cần giữ đủ ẩm cho cây, chị Thảo sẽ tưới một ngày 2 lần, vào sáng sớm và chiều mát. Chị duy trì tưới đẫm nước vào buổi sáng, tưới thật kỹ để toàn bộ giá thể có thời gian hấp thụ nước, dùng vòi áp lực cao xịt toàn bộ cây, xịt hai mặt lá để rửa trôi trứng sâu, rệp và các loại côn trùng gây hại.

Vào buổi chiều, chị chỉ tưới gốc tránh để nước đọng trên lá cây, không tưới vào ban đêm, nhằm hạn chế các loại nấm bệnh.

Những ngày mưa không cần tưới cây. Sau khi tạnh mưa, bạn cần quan sát xem chậu cây có bị đọng nước hay không, nếu có phải nhanh chóng thoát nước cho cây bởi cây bị ngập nước lâu ngày, có thể bị chết vì thối rễ. Nếu cây bị bệnh đốm đen dẫn đến trụi lá, tưới rất ít. Tưới cây ngay sau mỗi lần bón phân.

6. Bón phân

Với các giống hồng trong vườn sân thượng, thông thường sau khi cắt tỉa khoảng 30-40 ngày, cây cho ra một lứa hoa mới. Nắm được quy luật này, chị Thảo sẽ chia thành 3 đợt bón phân. Đợt đầu bón trước khi cắt tỉa hoa tàn 2 ngày, đợt thứ 2 khi cây ra chồi mới dài khoảng 5 cm, đợt cuối cùng khi cây vừa ôm nụ.

Khi cây ra hoa và tàn, chị sẽ bắt đầu lại quy trình trên. Chị Thảo thường bón phân gà tan chậm của hãng Yates – Australia vì đây là phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Bạn có thể chọn các loại phân khác tuỳ vào điều kiện, cách chăm sóc của mỗi người.

Một điều quan trọng cần lưu ý là bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về liều lượng phân bón, cách bón… kết hợp với quan sát tình trạng của cây, thời tiết… Đồng thời, giảm lượng phân bón vào mùa mưa vì nguồn đạm đã có sẵn trong nước mưa.

7. Cắt tỉa

Theo chị Thảo phân tích, việc cắt tỉa vừa giúp cho bộ khung cây vững chắc, dáng cây đẹp; vừa kích thích ra nhiều chồi, hoa… Để thuận tiện cho việc chăm sóc và hoa nở đều, chị cắt tỉa đồng loạt tất cả hoa tàn, các cành trên cây; cắt xuống vài nách lá (tính từ hoa), có thể cắt sâu hơn tuỳ vào tình trạng của cây, cách tạo tán cho cây…

Chị luôn cắt bỏ cành tăm, cành già, cành mọc xà, lá bệnh… để cây tập trung nuôi dưỡng thân chính. Nên cắt tỉa vào những ngày nắng ráo, vào buổi sáng là tốt nhất. Không cắt tỉa trong những ngày mưa, khi cây còn ướt… vì dễ làm cho nấm bệnh xâm nhiễm vào các vết cắt. Cần trang bị kéo cắt tỉa và găng tay làm vườn chuyên dụng.

Nhờ áp dụng đủ 7 kinh nghiệm trên, các cây hồng của chị Dạ Thảo sống khỏe, có sức chống chịu tốt mà không cần phun xịt thuốc trừ sâu hóa học. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên chị cũng lưu ý mọi người cần quan sát, trải nghiệm để chọn cách chăm sóc phù hợp cho cây.

Nguyễn Dạ Thảo