Việt Nam tăng 4 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021
Việt Nam tăng từ vị trí 83 lên 79 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc, Phần Lan giữ nguyên vị trí thứ nhất.
Việt Nam tăng 4 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021
Việt Nam xếp thứ 79, trên nước láng giềng Trung Quốc (84) hay một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia (81), Myanmar (126), trong bảng xếp hạng 149 quốc gia theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc.
4 quốc gia đầu bảng đều là các nước Bắc Âu, khi Phần Lan tiếp tục là quốc gia xếp thứ nhất, tiếp theo là Đan Mạch,Thụy Sĩ, Iceland. Mỹ từ 18 xuống 19, Anh từ 13 xuống 18, Australia giữ nguyên vị trí thứ 12.
Báo cáo do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố hôm nay. Bảng xếp hạng dựa trên 6 yếu tố: tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Báo cáo được công bố thường niên từ năm 2012.
Do Covid-19, các nhà nghiên không thể tới phỏng vấn trực tiếp ở một số quốc gia mà phải thay đổi phương pháp bằng cách tập trung vào mối quan hệ giữa phúc lợi và Covid-19.
Dù trong bảng xếp hạng 10 quốc gia đầu tiên có sự thay đổi, nhưng thứ hạng năm nay phần lớn giống năm trước, được coi là một dấu hiệu tích cực.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 cũng cho thấy tình trạng bế tắc và cách ly xã hội ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người lao động. Theo dữ liệu thu thập, những người không thể đi làm do thất nghiệp cảm thấy ít hạnh phúc hơn 43% so những người không cảm thấy cô đơn khi đại dịch bắt đầu.
Afghanistan tiếp tục là quốc gia xếp cuối bảng, tiếp theo là Zimbabwe, Rwanda và Botswana. Đứng ở cuối danh sách chủ yếu là những nước kém phát triển, nơi thường xuyên xảy ra xung đột chính trị và vũ trang, hoặc vừa phát sinh xung đột.
10 nước hạnh phúc nhất thế giới 2021
1. Phần Lan
2. Đan Mạch
3. Thụy Sĩ
4. Iceland
5. Hà Lan
6. Na Uy
7. Thụy Điển
8. Luxembourg
9. New Zealand
10. Áo
10 nước ít hạnh phúc nhất thế giới 2021
140. Burundi
141. Yemen
142. Tanzania
143. Haiti
144. Malawi
145. Lesotho
146. Botswana
147. Rwanda
148. Zimbabwe
149. Afghanistan