Trả lời con thế nào trước câu hỏi “em bé chui từ đâu ra?”
Câu chuyện của người mẹ bắt đầu từ việc cô và chồng có một chút bất đồng quan điểm trong việc giáo dục kiến thức giới tính cho con trai riêng 4 tuổi của cô cùng người chồng trước.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, sau khi ly hôn và mang theo con trai 4 tuổi về sống cùng, hiện cô đang có thai với người chồng mới. Một tối, cô nói với con trai rằng “con sắp được làm anh lớn rồi”, cậu bé liền hỏi mẹ “em bé sẽ chui ra bằng cách nào”.
Người mẹ quyết định đưa ra một câu trả lời trung thực, và “phù hợp với lứa tuổi của con”, ít ra cô cho là cách trả lời đó phù hợp.
Cô bảo em bé có thể sẽ ra đời theo hai con đường, một là cửa mình của mẹ, hai là bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng mẹ, “mở cửa” cho em bé ra, rồi sau đó khâu kín lại như cũ. Nhưng bằng cách nào thì mẹ vẫn đều sẽ ổn. Sau khi nghe mẹ nói, cậu bé phản ứng bình thường, nói “vâng ạ” và lại tiếp tục chơi.
Vấn đề bắt đầu khi cô kể lại với chồng rằng hôm nay mình rất vui vì con trai tỏ ra hào hứng với việc em bé sắp chào đời. Cô cũng kể con đã hỏi mình điều gì, và cô trả lời ra sao. Song người chồng nói cách cô dạy con thật là “kinh dị”.
“Anh ấy cho rằng thật dị và không phù hợp khi nói ra những thông tin đó cho một đứa trẻ. Tôi hỏi nếu là tôi anh ấy sẽ trả lời thế nào, anh ấy bảo cứ xoa dịu nó thôi và không cần đưa ra câu trả lời”, người mẹ nói.
Ý kiến của chồng khiến cô khá thất vọng, vì là một người mẹ, cô muốn đưa ra cho con những thông tin và cái nhìn tích cực về việc sinh em bé. Người mẹ hỏi mình nói với con như vậy có sai không.
Trước câu chuyện của bà mẹ sắp sinh, người đọc cho rằng đây có vẻ là một tín hiệu xấu khi một đứa trẻ 4 tuổi còn có thể đối diện với “chủ đề khó nói” theo cách trưởng thành hơn cả người chồng hiện tại của cô.
Đa số ủng hộ cách nói chuyện với con của người mẹ. Các thành viên cho rằng hình ảnh một người phụ nữ mang bầu (kể cả mẹ đang mang bầu) chẳng có gì lạ lẫm với bọn trẻ cả, cho nên tất nhiên chúng đều biết có một em bé ở trong bụng mẹ, và chẳng có vấn đề gì khi ta cho trẻ biết em bé chui ra bằng đường nào. Nhiều trẻ nếu người lớn không nói, chúng cũng sẽ tự tìm câu trả lời, ví dụ như có trẻ sẽ đặt câu hỏi “có phải mẹ sẽ ấn em bé ra không?”.
Nói chuyện với con về kiến thức giới tính không có gì phải ngại ngần, nên nói càng sớm càng tốt, nói sự thật, ở mức độ trẻ có thể hiểu được ở lứa tuổi của chúng. “Tôi luôn nói với con gái những kiến thức phù hợp với tuổi của nó. Con cũng biết những giới hạn về vùng riêng tư của mình (âm đạo, dương vật, tất cả những cái đó). Tôi không muốn con bối rối hay lo sợ không dám hét lên kêu cứu nếu có ai đó động chạm nó không phù hợp. Con tôi hoàn toàn thấy bình thường khi dùng các từ ngữ chính xác để gọi tên các vùng nhạy cảm”, một vị phụ huynh nói.
“Hồi bé khi tôi hỏi mẹ em bé từ đâu ra, mẹ bảo ông trời đã gieo một hạt giống vào bụng mẹ. Câu trả lời làm tôi lú đến nhiều năm sau này. Tốt nhất là nên nói thật nhé!”, “Không có gì là quá nhỏ cả, hãy dạy con theo cách phù hợp với lứa tuổi, nhưng dạy từ sớm là tốt đấy”, một số ý kiến khác ủng hộ người mẹ.
Bạn trò chuyện với con về giới tính, tình dục, sinh sản, chức năng cơ thể càng sớm, càng sát thực thì càng dễ cho con tránh khỏi bối rối sau này. Rất nhiều đứa trẻ tuổi teen được “xoa dịu” hồi bé khi chúng hỏi đến những câu hỏi “nhạy cảm” nên không hề biết tình dục là như thế nào, bởi bố mẹ chúng ngần ngại, cho rằng chúng còn quá nhỏ để tìm hiểu. Thay vì để trẻ tự tò mò tìm hiểu và có thể gặp “tai nạn”, sẽ tốt hơn nếu bố mẹ cung cấp cho chúng thông tin chính thống, chính xác luôn từ đầu.
Ví dụ như người chồng của bà mẹ trẻ trong bài, anh ấy rất cần được đưa cho một cuốn sách giáo dục giới tính dành cho trẻ em, để biết chuyện này nên được giải quyết như thế nào.
Huyền Anh