Take a fresh look at your lifestyle.

Thưởng thức trà ngon cũng cần chốn… an cư

Mối liên hệ khăng khít giữa trà và người uống trà, ngẫm lại, cũng giống như một gia đình, khi mà những đứa con được dung dưỡng, nuôi nấng, chăm bẵm, và trưởng thành theo nếp gia phong, cả nhà an cư rồi thì sẽ… lạc nghiệp.
Hiếm có thức uống nào diệu kỳ như trà, bởi sở hữu được trà, người yêu trà không chỉ dùng để uống, mà còn có thể chơi với trà. Thú vui thưởng trà, chỉ nghe qua đã gợi về bậc tao nhân, mặc khách, nhưng chuyện chơi trà, còn kỳ công, diệu vợi thêm bội phần. Các cụ đã chẳng bảo: “Nghề chơi thật lắm công phu”, thật cấm có sai bao giờ.
Trà nào để uống, trà nào chơi? Một thắc mắc ngắn gọn thế thôi nhưng đủ dông dài qua mấy vụ trà vẫn chưa hết chuyện. Trà làm ra, cốt yếu để uống, để chơi cũng chẳng hại gì. Nhưng phải hiểu rõ chẳng phải trà nào cũng có thể chơi.
Xét về kỹ thuật, các sản phẩm trà quy về hai loại ngắn gọn: Trà diệt men và trà lên men. Ở góc độ sử dụng, trà diệt men là loại dành uống ngay, uống sớm khi trà được chế biến thành phẩm, càng để qua thời gian, hương – sắc – vị của trà càng giảm, rõ là dành uống hơn là chơi. Trong khi trà lên men hợp cho việc chơi, bởi quá trình lên men chậm qua thời gian, càng để lâu, nội chất trong trà chuyển hoá tích cực, trà càng trở nên giá trị, hương – sắc – vị trong trà cũng trở nên tốt hơn theo năm tháng. Trà lên men lâu năm được ví sánh ngang với vàng là vậy.
Để trà lên men được tốt, chơi được lâu, còn tùy thuộc vào việc lưu trữ của người sử dụng. Mức độ công phu của chất chơi với trà, bắt đầu từ điểm này. Trà lên men, khi làm ra thành phẩm, giống như một đứa trẻ, đẹp, bụ bẫm, sáng sủa, nhưng tính cách, khí chất, cần thêm thời gian mới đủ để trưởng thành và cần cả môi trường rèn luyện, giáo dục, kỷ luật có căn bản mới thêm hoàn hảo.
Cái lý chơi trà lên men, ấy là người chơi mong đợi ở đó yếu tố bất ngờ. Cùng một loại trà, cùng niên vụ, cùng nhà sản xuất, nhưng về với những chủ nhân khác nhau, cách lưu trữ, bảo quản, tiếp cận không gian khác nhau, chất trà lên men sẽ hoàn toàn khác, có thể tích cực, nếu lưu trữ đúng cách, nhưng cũng có thể hỏng bởi những yếu tố giản đơn như để trà tiếp cận môi trường có độ ẩm cao quá, khô hanh dưới nắng trời, hoặc chứa chung với các loại thực phẩm gây mùi khác… trà khi ấy chắc chắn sẽ mất đi nét “ngây thơ”, “bổn thiện” như ban đầu.
Để cho trà lên men cách… ngoan hiền, dễ sai bảo, cần một ngôi nhà đủ đẹp, đủ an toàn giúp trà… an cư. Nếu như trà diệt men, cách bảo quản lý tưởng cho trà, sẽ là hộp thiếc, cao sang hơn nữa là một cái tủ bảo ôn với nhiệt độ ổn định đêm ngày. Riêng với trà lên men, việc lưu trữ cần đến một lĩnh vực độc đáo khác, ấy là gốm.
Nói về nghề gốm, Việt Nam có bề dày lịch sử sản xuất gốm trên bản đồ thế giới, với những dòng gốm cổ đặc trưng, từ chất đất, kỹ thuật tạo hình, phong cách gốm… mà nay vẫn tồn tại. Trà muốn để lâu qua thời gian, nên ủ vào chum gốm, nguyên do cốt đất tạo nên gốm, khi qua nhiệt độ lò nung, không quá đanh chắc như sứ, không khí độ ẩm vẫn tồn lưu, nhưng luôn ở mức ổn định, là không gian lý tưởng để trà lên men theo cách tự nhiên, đều và tối ưu.
Ở dòng trà lên men, thị trường có các loại trà ép bánh, bạch trà… với nguyên liệu giá trị từ các vùng trà Shan cổ thụ nổi tiếng khắp Đông – Tây Bắc (Việt Nam), khi kết hợp trà vào chum gốm, để qua thời gian, thực sự mang lại nhiều bất ngờ.
Về mặt nguyên lý, khi cho trà vào chum, đó là hình thức ủ để trà tiếp tục chuyển hóa (lên men) những nội chất có sẵn trong trà. Chum gốm như ngôi nhà để trà trú ẩn. Có thể nghiệm rõ điểm nổi bật khi chứa trà trong chum gốm, ấy là mùi hương được bảo lưu rõ rệt nhờ ít chịu tác động bởi không khí bên ngoài. Khí hậu phía bắc thường có mùa nồm ẩm, lớp vỏ bọc của gốm là khoảng ngăn ẩm lý tưởng cho mùa nồm, cũng là lớp áo bảo vệ hoàn hảo cho trà ở mùa hè nóng nực.
Người chơi trà, cũng vận dụng nhiều lối tích trữ, ủ trà trong chum theo cách khác nhau, giản đơn thì chum nào, trà nấy, mỗi chum chứa đựng cùng một loại như trà ép bánh (trà sống, trà chín), bạch trà… Cũng có lối chơi kết hợp giữa hai loại gồm thành phần chính là trà ép bánh, trộn lẫn thêm nguyên liệu trà rời chưa ép bánh, mục đích để phần trà rời vừa mang nhiệm vụ hút giữ ẩm, vừa dưỡng hương thêm cho bánh trà, lại tiện dụng bởi có thể đem pha uống để dễ dàng phân biệt sự khác nhau thú vị giữa trà rời và trà ép bánh cùng nguyên liệu.
Ở góc độ sử dụng, chum gốm Việt dễ gợi về hình ảnh mộc mạc, gần gũi, có thể trưng bày, trang trí trong nhà, tạo thành một thú chơi tao nhã kết hợp giữa trà và gốm, hẳn là hữu ý, tiện dụng. Một góc nhà đẹp, một không gian thưởng trà lý tưởng, một chum trà ngon hiện hữu, vừa để sử dụng, vừa để lưu trữ theo thời gian, đồng hành cùng thú vui uống trà theo năm tháng.
TH