Những điều người lần đầu đi làm nên biết
Ngay từ đầu, người mới đi làm phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng và xây dựng thói quen tốt: không ngừng học tập để nâng cao chuyên môn, rèn kỹ năng mềm và không sợ sai lầm.
Đặt ra ranh giới
Có hai loại giới hạn mà bạn cần đặt ra khi mới đi làm là: trách nhiệm với công việc và ranh giới giữa công việc với cuộc sống.
Dù háo hức chứng tỏ cho sếp và đồng nghiệp thấy mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, bạn cũng có thể dễ dàng bị ngợp nếu phải làm nhiều việc hơn khả năng của mình. Điều này tạo căng thẳng khiến hiệu quả công việc không như mong đợi.
Bạn đừng ngại nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp và hãy học cách nói “không” khi đã làm hết sức có thể. Bạn nên ngồi với sếp, cùng vạch ra lịch trình các nhiệm vụ và trách nhiệm ngắn hạn. Hãy tạo lịch làm việc trực quan, giúp bạn và sếp ưu tiên xử lý những việc quan trọng, đúng với năng lực và đòi hỏi công việc bạn được tuyển để làm.
Bạn cũng cần cân bằng giữa công việc và cuộc sống – những thứ hỗ trợ sức khỏe và năng suất làm việc. Cách cân bằng tốt nhất là chọn một sở thích ngoài công việc hoặc tạo thói quen chăm sóc sức khỏe (như thiền hoặc đọc cuốn sách yêu thích của bạn) để bắt đầu hoặc kết thúc một ngày với tâm trạng vui vẻ.
Học không chỉ ở trường
Tốt nghiệp rồi không có nghĩa bạn có thể từ bỏ việc học những điều mới. Trên thực tế, một trong những cách thăng tiến tốt nhất trong sự nghiệp là liên tục học các kỹ năng mới và xu hướng trong lĩnh vực của mình. Internet có đầy đủ các khóa học miễn phí có thể giúp bạn vượt trội so với hiện tại và từng bước thăng tiến trong sự nghiệp.
Ví dụ, Youtube có nhiều bài giảng miễn phí của các trường đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard và MIT. Các khóa học trả phí có sẵn trực tuyến như Udemy, Coursera và Coursemology cũng cung cấp các khóa học phát triển chuyên môn như giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc.
Ảnh minh họa: Unplash.
Kỹ năng mềm cũng quan trọng
Khi đi làm, bạn sẽ nhận ra kiến thức không quan trọng nếu bạn không thể vận dụng nó hiệu quả. Điểm số trở nên lỗi thời vì hình thức chính để bạn chứng minh thành tích là thông qua giao tiếp, truyền đạt và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp.
65% nhà tuyển dụng được NTUC LearningHub khảo sát cho hay kỹ năng mềm là ưu tiên hàng đầu với họ.
Vậy kỹ năng mềm là gì? Ngoài khả năng làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp, thì kỹ năng mềm còn bao gồm trí tuệ cảm xúc (bạn có thể kiểm soát cảm xúc), khả năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy phân tích và phê bình, sự tò mò và khả năng quan sát tổng thể.
Cách tốt nhất để rèn giũa kỹ năng mềm là tham gia các lớp học hoặc đọc sách phát triển kinh doanh. Ngoài ra, có những tài nguyên miễn phí bạn có thể tìm thấy trên internet, nơi thảo luận về cách phát triển các kỹ năng mềm.
Tiết kiệm và có kế hoạch dự phòng
Để có khởi đầu tốt, bạn đừng quên lập kế hoạch trước để sống một cuộc sống mà bạn không cần lo lắng về tương lai.
Khi ở tuổi thiếu niên, bạn có thể tiêu phần lớn tiền làm thêm vào những thứ mình thích như điện tử, quần áo, chơi với bạn bè. Mặc dù nhu cầu này vẫn còn khi bạn trưởng thành, nhưng cần cố tiết kiệm tiền hơn là chi tiêu, nếu nghĩ đến tương lai xa hơn như mua ôtô, mua nhà hoặc kết hôn.
Có nghĩa là bạn phải tạo một ngân sách, trong đó có phần tiền lương dùng để tiết kiệm và đầu tư cho các hóa đơn và trường hợp khẩn cấp. Bạn nên đầu tư và tiết kiệm để trả nợ càng sớm càng tốt.
Kế hoạch dự phòng dễ dàng là mua một gói bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn. Vì bạn còn trẻ, phí bảo hiểm sẽ không quá cao. Chương trình bảo hiểm đó đảm bảo cho bạn trong trường hợp tử vong, bệnh nan y, thương tật tạm thời hay vĩnh viễn.
Sai lầm cũng có giá trị như thành tích
Khi bắt đầu đi làm, bạn sẽ lo lắng liệu mình có đang làm đúng không. Nhưng ngay cả sai lầm cũng mang đến những cơ hội quý giá và bài học kinh nghiệm để phát triển.
Ở giai đoạn này trong cuộc đời, mọi thứ dù tốt hay xấu đều nên được nhìn nhận như một cơ hội.
Nhật Minh (Theo ValueChaosystem)