Những dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ cha mẹ nên lưu ý
1. Dấu hiệu nhận biết trước khi 1 tuổi
Trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng đầu đời, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu của chứng tự kỷ ở trẻ.
Khi tương tác với trẻ, bố mẹ nên lưu ý nếu trẻ có những biểu hiện như không có sự tập trung với những gương mặt mới; không phản ứng với những âm thanh lớn; không cầm nắm đồ vật. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể không phản ứng lại khi bố mẹ cười; không cố gắng hành động để gây sự chú ý.
Bố mẹ cũng nên lưu ý nếu trẻ không cảm thấy thích thú trong việc tham gia các hoạt động trò chơi với mọi người hay những đứa trẻ khác.
2. Khó thể hiện sự đồng cảm
Rất khó để một đứa trẻ tự kỷ thể hiện lòng trắc ẩn, sự cảm thông hay hiểu cho hoàn cảnh của người khác. Chúng dường như rất thờ ơ và không thân thiện. Những đứa trẻ này không biết phải phản ứng ra sao trong những tình huống khó khăn. Thậm chí, chúng có thể cười lớn khi thấy một ai đó gặp nạn; đôi khi là vô cảm trước nỗi đau hay niềm vui của người khác.
3. Không quan tâm đến tình thân
Trẻ tự kỷ thường có hành động xa cách, không hứng thú trong việc thể hiện cảm xúc gắn kết với gia đình, anh em hay với những đứa trẻ cùng tuổi.
Chúng thường tránh giao tiếp bằng mắt và giữ bản thân một mình, ngắt kết nối với thế giới bên ngoài. Thường những đứa trẻ này không biết phải làm sao để bày tỏ cảm xúc.
4. Khó xác định cảm xúc
Phụ thuộc vào mức độ tự kỷ để nhận ra điều này. Một vài đứa trẻ sẽ lúng túng khi bày tỏ cảm xúc của mình theo cách thông thường, ví dụ như đau sẽ khóc. Hơn thế, chúng thường rất vất vả trong việc bày tỏ những gì mình cảm nhận.
Ngoài ra, dấu hiệu tự kỷ cũng thể hiện khi trẻ không có những phản ứng mang tính cảm xúc, hoặc sự phản ứng của chúng thái quá. Ví dụ có thể đột nhiên giận dữ, bực bội tột độ với những khó chịu cỏn con.
5. Lặp đi lặp lại một chu trình
Trẻ tự kỷ phát triển một cách hạn chế và theo khuôn mẫu, nhất là khi làm những việc khiến chúng thích thú. Khi ấy thường thu hút toàn bộ sự chú ý, khiến chúng dành thời gian dài để tập trung hoặc hành động lặp đi lặp lại.
Trẻ tự kỉ thích duy trì thời gian biểu giống nhau mỗi ngày vì chỉ có vậy mới giúp chúng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ví dụ, chúng luôn muốn đi đến trường trên một con đường duy nhất và ăn chính xác một món ăn cho bữa tối.
Trong trường hợp bạn muốn thay đổi thời gian biểu, trẻ sẽ có thái độ từ chối hoàn toàn hoặc phản ứng mạnh mẽ vì bị phá vỡ đi thói quen thường có.
6. Gặp vấn đề về cảm giác
Trong vài trường hợp, trẻ tự kỷ thường phản ứng thái quá hoặc lờ đi trước những cảm giác của người khác. Đôi khi, trẻ có thể tảng lờ với người đang nói chuyện trước mặt, thậm chí giả điếc. Chúng cảm thấy bị làm phiền, dù với âm thanh nhẹ nhàng nhất.
Những âm thanh bất ngờ như tiếng chuông điện thoại cũng có thể khiến chúng bực bội. Lúc này, chúng thường phản ứng bằng cách đeo tai nghe và lặp đi lặp lại những tiếng động để che lấp đi những âm thanh kia.
Chúng cũng rất mẫn cảm khi bị đụng chạm và không thích ai động vào người mình. Chúng có thể co rúm lại khi ai đó vỗ nhẹ vào lưng.
7. Phản ứng thái quá
Những đứa trẻ tự kỷ dễ gào thét, khóc lóc hay cười sặc sụa mà chẳng cần lý do. Chúng không làm chủ được hành động và cảm xúc của bản thân trong những tình huống thường nhật.
Khi bị ức chế, chúng thường muốn gây rối và thậm chí có những hành vi cực đoan như đập phá đồ đạc, đánh người hay tự làm đau bản thân.
8. Khó khăn trong giao tiếp và ngôn ngữ
Những đứa trẻ 18 tháng tuổi thường nói và hay bắt chước âm thanh những người xung quanh tạo ra. Trẻ tự kỷ không như vậy, chúng phát triển kỹ năng ngôn ngữ chậm hơn rất nhiều.
Chúng thường nói chuyện với tông giọng khác thường, với âm điệu kỳ lạ, lặp lại những câu từ không có chủ đích. Trẻ khó khăn khi bắt đầu và duy trì một cuộc hội thoại. Chúng không hiểu những câu nói, câu hỏi đơn giản theo nghĩa đen. Chúng khó có thể hiểu được chuyện cười.
Cũng chính vì chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ tự kỷ thường thích bộc lộ bản thân bằng sự giao tiếp phi ngôn ngữ như vẽ tranh.
Phương Thùy/TH