Take a fresh look at your lifestyle.

Những câu truyện cổ tích hay mẹ kể bé nghe hàng đêm.

Kể chuyện bé nghe là một việc làm không những giúp gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và bé mà còn mang tới nhiều lợi ích tuyệt vời cho sự phát triển của bé yêu. Dưới đây là những câu chuyện cổ tích hay và ý nghĩa mà cha mẹ có thể tham khảo để dành thời gian kể cho bé mỗi ngày nhằm mang lại những giây phút thú vị cho bé trước khi đi ngủ nhé.
 Thỏ và Rùa
Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ sống trong một khu rừng xinh đẹp và yên tĩnh. Ngày ngày chúng vui chơi với nhau như hai người bạn thân. Một hôm, Thỏ và Rùa cãi nhau xem ai nhanh hơn.
Rồi chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Thỏ và Rùa đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng rất nhanh, khi thấy rằng mình đã khá xa Rùa.
Thỏ nghĩ nên nghỉ cho đỡ mệt dưới một bóng cây xum xuê lá bên vệ đường. Vì quá tự tin vào khả năng giành chiến thắng của mình, Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa chạy mãi rồi cũng đến nơi, thấy Thỏ đang ngủ ngon giấc Rùa từ từ vượt qua Thỏ và về đích trước Thỏ. Khi Thỏ thức dậy thì rùa đã đến đích và trở thành người chiến thắng.
Lúc này Thỏ biết mình đã thua cuộc vì quá tự tin vào khả năng của mình, còn Rùa chiến thắng vì kiên trì bám đuổi mục tiêu và làm việc hết sức trong khả năng của mình, cộng với một chút may mắn và giành chiến thắng.
Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua Rùa, thỏ nhận ra rằng mình thua chính vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu thỏ không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng thì rùa không thể có cơ hội hạ được.
Vì thế, Thỏ quyết định thách thức Rùa bằng một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, Thỏ chạy với tất cả sức lực của mình và chạy một mạch về đích. thỏ bỏ xa Rùa đến mấy dặm đường.
Câu chuyện Chú Chồn lười học
Chồn mướp sống ở khu rừng thông, vì là con một nên cậu được cha mẹ cưng chiều vô cùng. Tới tuổi đi học rồi, nhưng Chồn mướp vẫn không chịu đến trường, chỉ rong chơi mà thôi. Vì được nuông chiều quá, Chồn mướp đâm ra bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai. Ai khuyên gì cậu cũng không nghe mà còn cãi bướng.
Một hôm, Chồn mải chơi, bị lạc vào sâu trong rừng mà không biết đường ra. Cậu ta lang thang mãi mới tìm được bảng chỉ đường. Nhưng khổ nỗi, không biết chữ nên Chồn không đọc được.
Cậu ngồi xuống vừa khóc vừa hối hận, nếu chịu khó đi học biết chữ thì bây giờ đâu phải như thế này. Đúng lúc đó thì bác Sư Tử xuất hiện, Chồn tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin tha mạng.
Bác Sư Tử bảo: “Ta chỉ muốn giúp cháu thôi, vì cháu không biết chữ chứ gì?”. Chồn gật đầu. Được bác Sư Tử khuyên răn và chỉ đường, Chồn đã tìm về được ngôi nhà của mình. Chú mừng lắm và nhất quyết từ nay phải đi học.
Ngỗng và rùa
Hai vợ chồng ngỗng và rùa là những người bạn tốt. Mùa hè đến, trời bắt đầu nóng lên khiến hồ nước dần cạn kiệt. Vì vậy, chúng lên kế hoạch đi tìm một chỗ ở mới. Tuy nhiên, rùa không thể bay được nên ngỗng quyết định mang rùa theo bằng cách vợ chồng ngỗng cùng ngậm một cái cây bay hai bên, ở giữa chú rùa cũng ngậm cái cây đó. Điều duy nhất mà rùa cần phải nhớ là không được mở miệng ra khi bay.
Chúng bắt đầu cuộc hành trình của mình. Mọi người đều ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng và bắt đầu la hét. Đột nhiên có ai đó cười lên: “Nhìn kìa, một con rùa bay”. Con rùa tức giận và đáp lại: “Tại sao cười tớ?”. Và tất nhiên, con rùa đã rớt xuống đất. May mắn thay, rùa rơi ngay vào một lùm cây nên không bị thương. Lúc này, rùa rất ân hận: “Giá như mình đừng lên tiếng, giờ này mình đã vui chơi cùng vợ chồng ngỗng rồi”.
Tại sao đít con khỉ lại màu đỏ?
Ngày xưa, ở một ngôi làng kia, có rất nhiều chàng trai và cô gái. Mỗi tối sau khi dùng bữa xong, họ tụ tập quanh đống lửa và bắt đầu nhảy múa. Do đó, ngôi làng này có tên gọi là Ngôi làng nhảy múa.
Một đêm nọ, có một con khỉ đến gần nơi đang diễn ra lửa trại. Nó mặc quần áo, đeo kính giống như con người và mang theo một số món quà nhỏ để tặng cho các cô gái. Mọi người đang hòa mình vào âm nhạc và nhảy múa nên chẳng ai nhận ra nó là một con khỉ cả.
Cứ như vậy, mỗi đêm con khỉ lại đến và tặng quà cho các cô gái. Điều này làm các cô gái yêu quý khỉ hơn, còn các chàng trai ghen tỵ với khỉ. Họ quyết định phải tìm ra cho được người hay tặng quà cho các cô gái thật sự là ai. Thế là, như mọi hôm, con khỉ lại đến nhảy múa. Sau khi nhảy múa, các chàng trai theo dõi và phát hiện ra đó chỉ là một con khỉ. Các chàng trai quyết định dạy cho con khỉ một bài học.
Hôm sau, họ đặt một bếp lửa nóng ở nơi con khỉ hay ngồi và dùng lá che lại. Khi con khỉ ngồi xuống, nó nhảy dựng lên đau đớn. Các cô gái ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên các chàng trai đã giải thích cho họ hiểu. Mọi người đều quyết định đuổi con khỉ đi. Kể từ đó, đít của con khỉ bắt đầu có màu đỏ do ảnh hưởng của vết bỏng hôm nào.
Dê đen và Dê trắng
Dê đen và Dê trắng cùng sống trong một khu rừng. Hàng ngày, cả hai thường đến uống nước và tìm cái ăn ở trong khu rừng quen thuộc.
Một hôm, Dê trắng đi tìm cái ăn và uống nước suối như mọi khi. Dê đang mải mê ngặm cỏ, bất chợt một con Sói ở đâu nhảy xổ ra.
Sói quát hỏi:- Dê kia! mi đi đâu?
Dê trắng sợ rúm cả người, lắp bắp:
– Dạ, dạ, tôi đi tìm… tìm cỏ non và…và uống nước suối ạ!
Sói lại quát hỏi:
– Mi có gì ở chân?
– Dạ, dạ, chân của tôi có móng ạ…ạ!
– Trên đầu mi có gì?
– Dạ, dạ, trên đầu tôi có đôi sừng mới nhú…
Sói càng quát to hơn:
– Trái tim mi thế nào?
– Ôi, ôi, trái…trái tim tôi đang run sợ…sợ…
– Hahaha…
Sói cười vang rồi ăn thịt chú Dê trắng tội nghiệp.
Dê đen cũng đi tới khu rừng để ăn cỏ non và uống nước suối. Đang tha thẩn ngặm cỏ, chợt Sói xuất hiện, nó quát hỏi:
– Dê kia, mi đi đâu?
Dê đen nhìn con Sói từ đầu tới chân rồi ngước cổ trả lời:
– Ta đi tìm kẻ nào thích gây sự đây! Sói bị bất ngờ, nó hỏi tiếp:
– Thế dưới chân mi có gì?
– Chân thép của ta có móng bằng đồng.
– Thế…thế…trên đầu mi có gì?
– Trên đầu của ta có đôi sừng bằng kim cương!
Sói sợ lắm rồi, nhưng vẫn cố hỏi:
– Mi…mi…trái tim mi thế nào?
Dê đen dõng dạc trả lời:
– Trái tim thép của ta bảo ta rằng: hãy cắm đôi sừng kim cương vào đầu Sói. Nào, Sói hãy lại đây.
Ôi trời, sợ quá, con Sói ba chân bốn cẳng chạy biến vào rừng, từ đó không ai trông thấy nó lởn vởn ở khu rừng đó nữa.
Sự tích quả dưa hấu 
Thời vua Hùng Vương, đất nước ta có núi cao, có sông rộng, trời đẹp nắng vàng, nhưng đồng ruộng thưa thớt, hoa quả chưa có nhiều thứ thơm ngọt như bây giờ. Vua Hùng Vương thứ mười bảy có một người con nuôi là An Tiêm có tài tháo vát và có trí hơn người.Vua yêu mến An Tiêm thường ban cho của ngon vật quý. Thói thường, các quan được một chút lộc vua thì nâng niu ca tụng; riêng An Tiêm thường bảo: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ!” và xem thường các thứ ấy. Việc đến tai vua, vua giận lắm, bảo: “Đã thế ta cho nó cứ trông vào tài sức của nó xem có chết rũ xương ra không?”. sau đó gia đình Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang. Từ đấy, ngày ngày An Tiêm trồng rau và tìm quả, nàng Ba thì ra bờ biển mò con ngao, cái hến. Đứa con lớn của An Tiêm bắt chước cha cũng cặm cụi làm bẫy đánh chim. Nhưng rồi chim dần dần quen bẫy, có khi suốt ngày thằng bé không bắt được một cái lông. Cá nhiều nhưng không lưới, quả thì có mùa. Cuộc đời của bốn người vô cùng lao đao, vất vả, chẳng khác giống chim muông bao nhiêu. Tuy vậy An Tiêm vẫn tin rằng một ngày kia, mình có thể làm cho đời sống khá lên.
Một hôm có con chim đương ăn ngoài bãi thấy An Tiêm đến, vội bay đi, bỏ lại một miếng mồi đo đỏ. An Tiêm cầm lên xem thì là một mảnh quả dưa bằng hai ngón tay. Chàng nghĩ thầm chim ăn được có lẽ người cũng ăn được, bèn nếm thử thì thấy có vị ngọt. Chàng ăn hết miếng dưa và nhặt hạt gói lại. Ngồi nghỉ một lát thấy mát ruột, đỡ đói, chàng có ý mừng, lấy gươm xới một khoảnh đất mà gieo hạt xuống. Sau khi gieo trồng và chăm sóc họ chăm sóc hết lòng, nhờ vậy giống dưa càng ngày càng sai, quả càng to, thịt dày thêm mãi, vỏ mỏng dần đi, vị càng thơm ngọt. Cứ mỗi lần hái dưa, An Tiêm lấy mấy quả đánh dấu thả ra biển. Dưa trôi biệt tăm tích không biết bao lần, trăng non rồi trăng già không biết bao bận, An Tiêm vẫn không ngã lòng. Quả nhiên một hôm có một chiếc thuyền ghé đến hỏi xem ai đã trồng được giống dưa quý, để đổi về đem bán trên đất liền. Từ đấy An Tiêm đổi được các thức ăn dùng thường ngày và còn cất được một cái nhà lá xinh xinh. Về phần Vua Hùng cho đến một ngày kia, thị thần dâng quả da lạ, vua ăn ngon miệng bèn hỏi thăm tung tích, mới biết là do An Tiêm trồng ngoài đảo. Vua ngẫm nghĩ thấy mình sai, cho thuyền ra đón gia đình An Tiêm. 
Hà Anh/TH (Nguồn Sưu tầm)