Những bài thuốc chữa mất ngủ hiệu quả
Mất ngủ lâu ngày kéo theo rất nhiều vấn đề về sức khỏe: ảnh hưởng tới não bộ, tim mạch, miễn dịch… Nhiều người bị mất ngủ thường chủ quan cho rằng đó là mất ngủ tạm thời và sẽ tự hết khi thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp mất ngủ đều có thể tự khỏi.
Người bệnh mặc dù không phải lo nghĩ gì nhưng vẫn không ngủ được, hoặc ngủ không sâu, khi tỉnh khi mê. Nặng hơn, người bệnh trằn trọc không ngủ được, 2 mi mắt mỏi, cứng, gần sáng tỉnh dậy sớm; thậm chí cả đêm và ngày đều không ngủ được. Theo y học cổ truyền, mất ngủ thuộc phạm trù chứng bất mỵ, thất miên. Bệnh do nhiều nguyên nhân: do tâm tỳ suy yếu; do âm hư hỏa vượng; do tâm đởm khí suy; do thấp đàm ngăn trở. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh.
Mất ngủ lâu ngày kéo theo rất nhiều vấn đề sức khỏe khác: ảnh hưởng tới não bộ, tim mạch, suy giảm miễn dịch…
Do tâm tỳ hư: người bệnh mất ngủ tăng dần, tinh thần uể oải phờ phạc, hay quên, tâm hồi hộp, ăn uống kém, chân tay mềm nhẽo, thỉnh thoảng đau vùng trước tim, chất lưỡi bệu nhợt; mạch tế vi. Nếu tỳ hư nhiều thì sôi bụng, đại tiện lỏng, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ hoàn toàn. Phép trị là bổ tâm tỳ. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: hoàng kỳ chích 16g, phục thần 16g, đương quy rượu sao 16g, xuyên khung 18g, bán hạ chế 15g, bá tử nhân 10g, cam thảo chích 8g, viễn chí bỏ lõi 8g, ngũ vị tử 8g, nhân sâm 8g, nhục quế 6g. Sắc uống.
Bài 2: bạch thược 20g, thục địa 20g, đương quy 20g, huyền sâm 20g, xương bồ 2g, sài hồ 2g. Sắc uống.
Do âm hư hỏa vượng: người bệnh mất ngủ ngày một tăng, đau lưng, ù tai, đầu nặng, choáng váng từng cơn. 2 mắt thâm quầng, miệng khô, họng ráo, chất lưỡi đỏ, mệt mỏi, nóng về đêm, ra mồ hôi trộm; mạch tế sác. Phép trị: tư âm tiềm dương an thần. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: đương quy 16g, thục địa 24g, long cốt nung 16g, phục thần 16g, toan táo nhân 10g, bá tử nhân 10g, trân châu mẫu 8g, nhân sâm 8g, sừng trâu 10g, trầm hương 4g, thần sa nghiền 4g. Các vị nghiền bột, làm hoàn mật. Dùng thần sa làm áo. Để lâu cần sấy khô. Ngày uống 50g, chia 3 lần.
Bài 2: đảng sâm 30, bạch truật 20g, thục địa 20g, sơn thù 6g, nhục quế 2g, hoàng liên 2g. Sắc uống.
Viễn chí là vị thuốc trị mất ngủ do tâm tỳ hư và vị khí bất hòa.
Do tâm đởm đều suy: người bệnh mất ngủ, ngực sườn đầy tức, ăn không tiêu, ngực đầy tức, đánh trống ngực, đại tiện thất thường có khi sống phân, đau đầu từng cơn, tiểu tiện vàng, mệt mỏi bủn rủn; rêu lưỡi vàng, chất lưỡi bệu nhợt; mạch hư nhược. Phép trị là bổ tâm đởm trừ phiền. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: toan táo nhân sao đen 32g, cam thảo 12g, tri mẫu rượu sao 24g, phục linh 30g, xuyên khung 18g. Sắc uống.
Bài 2: sài hồ 8g, mạch môn 20g, xuyên khung 12g, sa sâm 8g, trần bì 2g, ô mai 1 quả, úc lý nhân 4g, đương quy 30g, cam thảo 4g, trúc nhự 4g, bạch giới tử 8g. Sắc uống.
Vị khí bất hòa do đờm thấp ách tắc: người bệnh mất ngủ, ngực đầy tức, nóng ruột bồn chồn, lợm giọng muốn nôn mửa, đầu nặng, choáng váng, ăn kém, rêu lưỡi trắng nhờn; mạch hoạt. Phép trị là tiêu đàm hòa vị. Dùng bài thuốc: bạch thược 40g, viễn chí 20g, táo nhân sao 30g. Sắc uống.
Để có giấc ngủ ngon, luôn giữ tinh thần thanh thản, nghỉ ngơi, luyện tập thể dục đều đặn, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiêng ăn thứ cay nóng, không uống nước chè, nên ăn canh tôm với lá vông nem vào bữa tối, tập thói quen đi ngủ đúng giờ, lao động nhẹ nhàng.
TH