Nhớ mùng 5 tháng 5
Lại thêm gió Lào như thổi ra từ lò lửa. Đến cả những tàu lá chuối non cũng khô quắt lại. Những ngày như vậy nếu trời đổ một trận mưa to thì mọi vật dịu lại, đến cỏ cây cũng nhảy múa reo mừng. Lòng người cũng hân hoan như ngày mùng 5 ngồi bên món vịt đồng.
Người quê mình rất ít người gọi ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là tết Đoan Ngọ, cũng không mấy ai quan tâm đó là ngày giỗ của ông Khuất Nguyên ( người đã trẫm mình dưới dòng Mịch La để giữ khí tiết của một chính nhân trong sạch…). Người quê mình chỉ gọi đơn giản là: ăn mùng năm!
Đầu tháng 5 âm lịch ở Quảng Bình nói chung, ở Lệ Thủy nói riêng thì việc gieo cấy vụ hè thu đã hoàn thành. Người nông dân bắt đầu thời kỳ nông nhàn, vì vậy một số nơi coi ngày mùng 5 tháng 5 ( âm lịch) là ngày ăn mừng lễ rửa cày bừa. Tất nhiên trong ngày lễ đó, món ăn chính được yêu thích nhất là các món vịt đồng.
Lệ Thủy ( Quảng Bình) là xứ lúa, đồng ruộng mênh mông thẳng cánh có bay. Đã đi vào tục ngữ, ca dao :
” Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”
” Lệ Thủy gạo trắng nước trong
Ai về Lệ Thủy thong dong con người”…
Trên cánh đồng mênh mông đó ngày xưa sau vụ gặt thì cá, tôm, cua, ốc, cà cuống…tụ lại cơ man ở các vũng nước đọng, các ao hồ, kênh rạch..còn lúa rụng thì miên man. Người chăn vịt có nghề luôn biết tính toán chi li, khi lúa vừa chín là lúc vịt non biết ăn lúa, cá tôm…mạnh nhất.
Thường thì những người chăn vịt mua vịt con vừa mới ấp nở từ các lò đúng vào ngày 20 tháng 2 âm lịch. Để đàn vịt đều, nhanh lớn họ luôn biết chọn những con vịt con chân hồng, mỏ khô, mắt đen láy.
Nuôi vịt con cũng thận trọng, kỹ càng như người ta chăm con mọn, chăn tằm non. Nơi ở phải thoáng sạch, tránh các mầm bệnh, lại kiêng cữ theo kinh nghiệm dân gian: tránh các thứ uế tạp, tránh tử khí từ những người nhà có tang, những người giết mổ, cả những người phụ nữ trong những ngày không sạch…
Nuôi vịt con tầm 40 ngày thì vịt bắt đầu lớn nhanh, ăn mạnh, lông cánh bắt đầu mọc mà dân gian vẫn gọi là thời kỳ “vịt eo lưng” cũng như con người bước vào thời của tuổi dậy thì. Tầm đó thì vừa vặn lúa chín.
Người chăn vịt khéo lùa cho đàn vịt đến những mảnh ruộng vừa gặt ăn no lúa rụng ( thường là những hạt chắc mẩy nhất), ăn cá, tôm, châu chấu, cua, ốc… Cứ như vậy suốt 1 tháng ròng, vịt ăn no, đầy đủ dưỡng chất nên lớn nhanh. Tầm 75 ngày tuổi thì vừa vặn mùng 5.
Lúc này vịt đồng đạt khoảng 1,5 đến 1,8 kg 1 con. Do ăn thức ăn sạch, ngon, tự nhiên lại luôn vận động nên vịt săn chắc và thịt thơm lừng.
Thịt vịt tính hàn (tính mát) rất phù hợp cho giai đoạn nắng nóng cực điểm của năm trong những ngày chí dương (Đoan Ngọ – cực nóng). Vịt đồng có thể làm được nhiều món: Luộc, gỏi, kho, xào, nướng, cà ri… nhưng dân Lệ Thủy thích nhất là món tiết canh và vịt hầm măng.
Chọn lấy ít nhất 1 đôi vịt đồng sạch sẽ, mỗi con tầm 1,7 kg. Chuẩn bị các loại rau thơm như quế, húng, ngò ta, ngò gai, bắp chuối sứ non, rau má… tiêu, hành tím, ớt, tỏi, lạc rang vàng.
Hãm tiết vịt bằng công thức một thìa nước mắm ngon pha với 5 thìa nước lọc sạch hòa vào nhau, đánh cho tan đều. Sau đó cắt tiết vịt cho vào và đánh đều, người cắt tiết phải rất khéo, một đường dao ngọt là tia tiết đỏ tươi chảy mạnh… kinh nghiệm của họ là “trống tai, mái cổ” (vịt trống cắt ở động mạch gần mang tai, vịt mái cắt ở cổ phía sau bên phải) thì tiết sẽ tươi ngon.
Người tỏ ra sành điệu sẽ cắt ở đầu cánh, ở nách cánh. Có người chỉ dùng cây kim to, chích vào đầu cánh thì tia tiết tươi rói chảy ra…
Chọn lòng vịt và những phần như cánh rút xương, ức vịt luộc chín cắt nhỏ. Rau thơm rửa sạch, để ráo nước, cắt sợi trộn đều, lạc rang phải vàng giòn. Hành tím nướng chín bằng cách vùi trong tro bếp, tỏi thì lột vỏ và ngâm 5 phút trong nước đá lạnh.
Tiết canh muốn ngon thì sắp các loại rau thơm lên từng đĩa hoặc mâm trộn thật đều với thịt, sụn, lòng cắt nhỏ… sau đó đánh nước luộc vịt (đã để nguội) với tiết cho vừa tỉ lệ 3 nước 1 tiết và gia vị đánh lên thật đều rồi khéo dùng muôi múc rưới lên đều. Rải ít miếng gan vịt lên phía trên. Để tầm 20 phút, thì cho ít hạt lạc rang lên phía trên.
Ở Lệ Thủy nhiều người đánh tiết canh giỏi. Có thể úp bát tiết canh lại mà tiết canh không rơi ra bàn. Người ta vẫn kể với nhau, có ông kia làm xong tiết canh thì vợ gọi về, vội quá không kịp ăn nên lấy sợi dây lạt xâu qua bát tiết canh, treo lên ghi đông xe đạp rồi đạp xe về. Nghe nói về đến nhà thì bát tiết vẫn còn y nguyên.
Số thịt vịt còn lại thì người ta hầm với măng. Những búp măng non đầu mùa, gặp mưa giông vừa mềm, vừa ngọt. Ăn kèm với món măng vịt là bún được làm từ gạo chiêm của xứ đồng Lệ Thủy, những sợi bún thơm thảo hương vị đồng đất quê nhà.
Nấu nướng xong thì người ta đặt 1 mâm lên bàn thờ cùng với các loại hoa quả, thắp 3 cây nhang lên khấn gọi tổ tiên về ăn mùng 5 cùng con cháu. Khấn xin Trời Đất cho mưa thuận gió hòa. Chở che cho những người trong gia đình, thôn xóm mạnh khỏe, bình yên, cho người đi xa chân cứng đá mềm, hanh thông, may mắn.
Ăn các món vịt thì phải kèm chai rượu sủi tăm của quê nhà. Cứ thế, những câu chuyện về mùa vụ, về con người, về tiết trời, về tình yêu râm ran suốt ngày mùng 5. Bọn trẻ ăn xong thì đi hái lá mùng 5, người quê tôi quan niệm đúng giờ Ngọ ngày mùng 5 thì cỏ cây đều thấm đẫm vị thuốc. Lá cây cắt phơi vào trưa mùng 5 thì vị luôn thơm và mát lành.
Bọn trẻ hái thuốc xong thì về sông tắm, tương truyền tắm vào trưa mùng 5 thì cả năm không bị rôm sảy, không bị các bệnh ngoài da… Còn các anh chị thanh niên thì trưa đã nhậu say nên đêm mới tắm. Mà nghe kể tắm mùng 5 để có hiệu quả tốt nhất thì nên tắm sông và để tự nhiên hoàn toàn.
Gần nhà mình có anh Tự, trước đây ra phố học đại học rồi về quê làm ở phòng văn hóa. Nghe kể anh là người đã hắt cả chén rượu vào mặt 1 ông to khi ông này về thăm Lệ Thủy, trong bữa tiệc đã vung tay xoa chân, đặt hết chỗ này đến chỗ khác, xong tiệc lại ép các em trẻ trong cơ quan anh đi với ông ấy… rồi sau đó anh xin nghỉ việc về nhà làm vườn, nuôi cá và chăm sóc mẹ già.
Mẹ anh tuổi già, bản tính lại không bình thường, hay chửi bới, lúc tỉnh, lúc quên. Mấy anh chị em trong nhà cứ vậy cố tình xa lánh. Anh Tự không nói năng gì, nhẫn nại chăm mẹ, chiều mẹ. Anh tắm táp, thay đồ, giặt giũ, nấu cơm nuôi nấng, chăm sóc, dỗ dành mẹ. Cả làng biết vậy đều thương. Những lúc tỉnh táo, bà xoa đầu anh rồi khóc nói: “Mạ để khổ cho con rồi…”.
Tự cười, “mạ đừng nói rứa, mạ thương con nỏ hết mà, đừng nói rứa mạ nghe”. Những đợt mưa lũ, cá nuôi trong ao bị trôi hết. Tự buồn đến phát sốt. Bà cứ ngồi ở giường anh, vỗ vỗ tay lên đầu, lên lưng mà hát:
” Trăm thứ than
than chi không ai quạt?
trăm thứ bạc
bạc gì bán chẳng ai mua!..”
Rồi mạ anh mất, anh ăn miếng gì ngon cũng nhìn lên núi gọi: Mạ về ăn với con.
Hôm mấy anh em làm tiết canh vịt. Anh lặng lẽ bưng 1 bát ra đứng đầu nhà gọi: Mạ ơi, mạ về ăn với con, món ni mạ thích để con đút cho mạ, mạ nghe!
Sưu tầm