Take a fresh look at your lifestyle.

Ngôi nhà tràn ngập hoa hồng nhiều người mơ ước

Mất bốn năm cải tạo mảnh đất toàn sỏi đá, chị Hoa mới trồng hơn 50 gốc hoa hồng, hiện thực ước mơ “ngôi nhà hoa hồng” ở thành phố Grabow.

Khi mới sang Đức, chị Mai Hoa, 49 tuổi, thấy nhiều nhà trồng hoa hồng trước cửa, người phụ nữ Hà Nội mơ ước có một “ngôi nhà hoa hồng” cho riêng mình.

Bốn năm trước, khi chuyển về nhà mới ở thành phố Grabow, chị quyết định biến ước mơ thành hiện thực.

Nhà mới có tổng diện tích gồm cả sân vườn là 1.000 m2, trong đó diện tích có thể trồng hoa chiếm khoảng 1/3. Có điều, đó vốn là một bãi đỗ ôtô, bãi đổ vật liệu xây dựng, rất nhiều cát sỏi và đá hộc. Đây là thách thức rất lớn với người phụ nữ chưa từng biết làm vườn.

Chị Hoa đục sân bê tông để làm ao cá, trồng cỏ, lát đường bê tông thành sân gạch.

Để trồng được cây xuống đất, ngày nào chị cũng hì hục đào hố sâu 70-80 cm rồi móc hết cát sỏi lên. Việc này thường mất mất nửa ngày, bao gồm cả đổ đất vào hố. Thời điểm đầu, cứ đi làm về lúc 18h, cơm nước giặt giũ xong đến 20h chị lại bắt tay làm vườn, thường chỉ kết thúc sau 23h đêm.

Thời điểm đầu, thấy ở đâu bán giống hoa hồng là chị mua, không biết tên tuổi, đặc tính cũng như cách chăm sóc. “Tôi nghĩ cứ về tưới nước là cây sống được hết”, chị Hoa chia sẻ.

Nhưng kết quả cây chết, cây còi cọc, không ra hoa như ý muốn. Chị Hoa lại lên các hội nhóm trồng hồng ở Đức “cày xới” kinh nghiệm. Sau này mỗi khi mua cây mới về, chị trộn phân bò và rác rau củ vào đất trước khi trồng, tạo dinh dưỡng cũng như độ ẩm cho cây.

Từ tháng 4 đến tháng 9, thời điểm cây ra hoa, mỗi tháng chị còn đập một quả trứng tươi vào gốc cây. Vỏ chuối hay vỏ trứng thừa cũng được cắt vụn hay đập nhỏ bón gốc.

Trước khi cây ngủ đông vào tháng 10 và nảy mầm sinh chồi lại vào tháng 3 sang năm, người phụ nữ này còn bón thêm một loại phân organic được làm từ sừng trâu, xương cá để bổ sung thêm canxi và kali cho cây.

“Để hồng nở to đẹp cũng không đơn giản, phải tỉa cành đúng thời điểm trước và sau cây ngủ đông. Tưới nước cũng không được quá tay bởi nhiều nước cây sẽ lạnh, sinh nhiều nấm bệnh”, chị Hoa nói.

Những hôm mưa nhiều, nấm dễ ăn lá non và nụ mầm dẫn đến nụ hoa rụng, để khắc phục tình trạng này chị thường xuyên cắt tỉa lá già, lá bệnh và các mầm đực để cây thoáng không đọng nước. Nếu lá bị nấm nhiều, chị tự pha thuốc từ sữa tươi, dấm, nước rửa chén theo tỷ lệ nhất định rồi phun cho cây.

Hơn 50 gốc hồng ở vườn, chị Hoa có một số bụi hồng leo cho hoa rất bắt mắt, được trồng ở những hàng rào sắt tự chế. Hồng leo cần được cắt tỉa tạo dáng cố định vào khung giàn để khi cây ra hoa sẽ không bị đổ gãy và tạo tán đều đẹp hơn. Khi hoa tàn, chị cũng không để hoa tự rụng mà chủ động cắt bỏ cành để cây không phải nuôi dưỡng, hơn nữa không làm bẩn vườn.

“Trồng hoa là thú vui tao nhã nhưng cũng phải kiên trì, đổ mồ hôi nhiều mới đạt được thành quả”, chị nói. Người mẹ một con cho biết, trong ba năm đầu, chị thường xuyên phải dùng tay bới sỏi cát rồi bê hàng trăm bao đất 10-20 kg để cải tạo vườn.

Tại Đức, hoa hồng nở rộ đẹp nhất từ tháng 6 tới tháng 8 vì thời tiếp ấm áp. Lúc này vườn trước nhà và tường rào hai bên hông nhà chị Hoa nở rộ. Trong vườn nhà còn có những giống hồng đẹp như Hồng leo Rosarium Uetersen, Hồng bụi Augusta Luise hay hồng leo Red Flame màu đỏ thắm…

Sau bốn năm cải tạo, nhiều góc vườn còn chưa hoàn thiện nên chị Hoa vẫn ra vườn sau bữa tối. Ngày bận rộn chị dành ít nhất 2 tiếng để tưới hoa, còn cuối tuần thì cắt tỉa, chăm cây cả ngày. Nhiều lúc bị chồng cằn nhằn “yêu hoa hơn yêu người” nhưng có giống hồng đẹp, chị lại mua về trồng thử nghiệm.

Được tận hưởng hương hoa thơm mỗi sớm thức dậy, với chị Hoa giờ là niềm vui mỗi ngày. Người phụ nữ này thường cắt tặng cho mình những bó hoa đẹp nhất hoặc mang tặng bạn bè. Nhiều người Việt tại Đức và những người yêu hoa thỉnh thoảng rủ nhau qua nhà chị tham quan, chụp ảnh kỷ niệm.

 

Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp