Mẹo hay giúp đôi chân bạn luôn khô ráo, thơm tho
Trong những ngày hè oi ả, tuyến mồ hôi ở đôi chân bài tiết quá nhiều, khiến cho bạn có cảm giác nhớp nháp, khó chịu và là môi trường thuận lợi cho những loại vi khuẩn sẵn có nơi đây hoành hành tạo nên mùi đặc trưng. Dưới đây là những cách đơn giản nhất để tống khứ thứ mùi khó chịu này, giúp cho đôi chân của bạn luôn khô ráo, thơm tho.
Vì sao chân có mùi hôi?
Mùa hè nóng nực sẽ khiến cho cơ thể nói chung và đôi bàn chân tiết ra nhiều mồ hôi nhất. Mồ hôi tiết ra ở đôi bàn chân không chỉ khiến cho bạn có cảm giác nhớp nháp, khó chịu mà còn là môi trường thuận lợi cho những loại vi khuẩn sẵn có nơi đây hoành hành. Đây chính là “thủ phạm” gây nên mùi khó chịu cho đôi bàn chân.
Giữ thoáng cho đôi bàn chân
Thật sai lầm khi nhiều người cho rằng đôi chân càng có mùi khó chịu càng nên bưng bít chúng lại để hạn chế mùi khó chịu của chúng thay vì để cho chúng có cơ hội “hít thở” không khí trong lành. Điều này chỉ càng khiến cho đôi bàn chân bị yếm khí và tiết ra nhiều mồ hôi hơn là môi trường thích hợp cho những loại vi khuẩn hình thành và phát tán mùi khó chịu ra bên ngoài.
Các chuyên gia da liễu khuyên bạn trong những ngày hè bạn cần giữ cho đôi chân được khô ráo, thoáng khí đồng nghĩa với việc bạn không nên đi giày và tất quá thường xuyên. Khi chọn mua tất bạn nên chọn loại được làm bằng chất liệu cotton thay vì những chất liệu không thấm hút như nilong.
Đặc biệt cần lưu ý hãy tận dụng tối đa khoảng thời gian để chân trần để hạn chế khả năng tiết mồ hôi của đôi bàn chân.
Rửa chân bằng muối
Muối có tính sát khuẩn, loại trừ vi khuẩn là điều mà ai cũng biết. Nước muối có tác dụng làm khô và se bề mặt da vậy nên dùng nước muối để rửa chân, ngâm chân thường xuyên sẽ giúp bạn giảm việc tiết mồ hôi chân hiệu quả.
Nếu bạn là “chủ nhân” của một đôi bàn chân không thơm tho bạn nên hình thành thói quen ngâm chân mỗi ngày bằng dung dịch nước muối loãng. Thói quen rất đơn giản này sẽ giúp bạn dễ dàng “tẩy uế” mùi khó chịu cho đôi bàn chân. Lưu ý thời lượng ngâm chân bằng nước ấm pha muối nên kéo dài khoảng 10 phút sau đó không nên rửa sạch bằng nước thường mà hãy để chân tự khô.
Nhôm
Bạn có thể mua nhôm ở dạng bột hòa tan pha lẫn với nước, hòa tan tạo thành dung dịch và dùng để ngâm chân khoảng 30 phút mỗi lần. Sau đó rửa sạch lại bằng nước thường. Cứ khoảng 4 ngày bạn nên ngâm chân với dung dịch này một lần.
Ngâm chân với dấm
Dấm không chỉ là một loại “gia vị” quen thuộc trong gian bếp mà cũng có tính năng tương tự muối, dấm có khả năng khử khuẩn và hạn chế quá trình tiết mồ hôi.
Chính vì thế, ngoài cách ngâm chân bằng nước muối bạn có thể thay đổi bằng cách ngâm chân bằng nước ấm có pha chút dấm. Tối thiểu nên thực hiện khoảng một đến hai lần/tuần, nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ để tăng hiệu quả.
Trà xanh, trà đen, quế – “nước hoa” cho đôi bàn chân
Bên cạnh dấm, muối thì nước trà hoặc nước quế cũng là những loại nước ngâm chân có tác dụng khử mùi và khử khuẩn hiệu quả. So với trà xanh thì trà đen đem lại cho bạn tác dụng nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều.
Kinh nghiệm dân gian
Một số mẹo nhỏ dựa theo kinh nghiệm dân gian cũng sẽ giúp bạn nhanh chóng tận thu được lợi ích như mong muốn.
Lấy rễ cây bột sắn ngâm rượu trắng để một thời gian. Sau đó dùng rượu đó, xoa, bóp lên chân sau khi đã ngâm chân sạch sẽ, hoặc bạn cũng có thể pha rượu đã ngâm với nước rồi đun lên làm dung dịch ngâm chân hàng ngày.
Dùng nắm lá trầu không đun cùng 1 – 2 lít nước đến khi sôi, để nguội bớt và dùng để ngâm chân thường xuyên.
Lựa chọn giày, dép
Vào những ngày mùa hè bạn không nên chọn loại giày dép bí, quá kín là môi trường yếm khí sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn và là nguyên nhân gây hôi chân.
Nên chọn loại giày dép hở mũi, thoáng khí để hạn chế quá trình tiết mồ hôi chân. Với lót giày, hãy dùng miếng lót quế để lót và nên thay chúng thường xuyên. Nên sử dụng những loại tất làm bằng sợi bông hay cotton vì chúng mềm, dễ thấm mồ hôi và không gây tổn thương cho da chân.
Ngoài ra, nếu có thể hãy thường xuyên vệ sinh giày dép vì nếu lười chăm chút cho giày dép không những làm giảm “tuổi thọ” của chúng mà còn vô tình biến đó trở thành “ổ” chứa vi khuần và mầm bệnh với đôi bàn chân.
Thay tất và rửa chân thường xuyên
Với tất bạn không những cần lưu ý khi lựa chọn chất liệu tất mà còn cần nhớ phải thay tất thường xuyên mỗi ngày nếu chân bạn nặng mùi thì có thể thay tất 2 lần/ngày.
Bất cứ khi nào có “điều kiện” bạn hãy “tắm” cho đôi bàn chân để tận hưởng cảm giác mát mẻ trong ngày hè, loại bỏ lượng mồ hôi dư thừa đồng nghĩa với việc hạn chế nguy cơ tiết mùi khó chịu.
Sử dụng chất khử mùi
Sử dụng chất khử mùi cho đôi bàn chân, cho giày sẽ giúp cho bạn cải thiện tình hình này một cách hiệu quả.
Quan tâm tới chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có ảnh hướng trực tiếp đến quá trình tiết mồ hôi. Trong chế độ ăn uống bạn cần tránh những thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, các món ăn chiên rán.
Cần bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều kẽm như sò, củ cải, cùi dừa, đậu nành, lòng đỏ trứng gà, ngũ cốc…
Nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ
Nếu đã thử nhiều cách mà bạn thấy tình hình không được cải thiện thì bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và có thể là áp dụng các thủ thuật tiểu phẫu nếu cần thiết.
Cũng xin nói thêm rằng, việc tiết nhiều mồ hôi ở đôi bàn chân cũng có thể là một trong những biểu hiện của chứng viêm da hoặc là “kẻ tiếp tay” cho chứng bệnh nấm móng, nấm kẽ.
Sưu tầm