Lý do cha mẹ không nên thất hứa với con
Tầm quan trọng của giữ lời
Việc phá vỡ lời hứa có thể mang lại những ảnh hưởng lâu dài đối với chúng ta khi còn nhỏ. Ngay cả lúc trưởng thành, có lẽ, không ít người vẫn e ngại rằng, mình sẽ phải thất vọng bởi sự thất hứa.
Quá trình nuôi dạy con trở thành người chân thành có thể bắt đầu bằng việc khiến trẻ biết giữ lời hứa. Cha mẹ có thể dạy con tầm quan trọng của việc giữ lời hứa.
Thực hiện lời hứa là cam kết đưa ra hành động về điều gì đó. Đồng thời, bảo đảm điều đó xảy ra. Mặc dù, không thể kiểm soát những gì xảy ra trong cuộc sống, nhưng có một số điều hiển nhiên là, chúng ta có thể cố gắng bảo đảm đúng mức nhất có thể.
Mặc dù được coi là vô cùng thiêng liêng, song, lời hứa cũng là thứ có thể dễ dàng bị phá vỡ. Nếu từng bị ai đó thất hứa, chắc hẳn, chúng ta sẽ hiểu rõ sự tổn thương gây ra từ những lời nói đơn thuần. Lời hứa bị phá vỡ gây tổn hại và làm tổn thương con người. Một người phá vỡ lời hứa cũng sẽ tự hạ thấp uy tín trong lời nói của họ.
Trẻ em có thể xây dựng một tính cách chính trực, chân thành dù ngay từ nhỏ. Trẻ có thể học cách không đưa ra những lời hứa mà mình không thể thực hiện. Vì vậy, cách tốt nhất để chúng ta dạy con giữ lời hứa là trở thành tấm gương cho sự liêm chính. Đó là một áp lực rất lớn đối với cha mẹ. Bởi, điều đó đồng nghĩa rằng, phụ huynh luôn phải giữ lời hứa với con.
Giá trị của việc cha mẹ giữ lời hứa được cho là vô cùng lớn. Cha mẹ được quyền lựa chọn trở thành tấm gương để trẻ noi theo, hoặc “vết xe đổ” chúng không muốn đi vào. Bởi vậy, cha mẹ phải chọn thứ chúng ta muốn trở thành. Cha mẹ sẽ trở thành người hành động để giúp con nhận ra tầm quan trọng của việc giữ lời hứa.
“Bắt tay” vào thực hành
Trước hết, vào đầu năm học của con, phụ huynh có thể lập danh sách ngắn những lời hứa sẽ làm với tư cách là người giáo dục ở nhà của trẻ. Sau đó, hãy để danh sách đó trong phòng học của con và để trẻ nhìn thấy thường xuyên.
Khi đó, phụ huynh có thể yêu cầu con thực hiện điều tương tự với cha mẹ. Song, phụ huynh có thể giúp trẻ nghĩ ra một vài điều con nên hứa ở lứa tuổi học sinh.
Ví dụ, cha mẹ có thể đưa ra một số lời hứa như: Luôn tôn trọng con; Lắng nghe ý kiến hoặc quan điểm của con; Không bao giờ từ bỏ con; Không mong đợi gì ngoài những điều tốt nhất từ con. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể hứa sẽ vui vẻ với con và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp ở trẻ.
“Đặc biệt, khi một đứa trẻ còn nhỏ, hãy đặt kỳ vọng vào việc nhà. Tôi biết chúng ta luôn nghe về những công việc nhà. Chúng ta nghe về cách việc nhà giúp trẻ cũng như giúp phụ huynh. Những việc làm đó cũng giúp trẻ em xây dựng lòng tin, sự chính trực và giữ lời hứa”, Chuyên gia Jeannette Tuionetoa tại tổ chức Homeschool Giveaways cho biết.
Có lẽ, không ít phụ huynh từng nghe con nói rằng: “Mẹ ơi, con hứa là sẽ không tái phạm nữa”, hoặc “Mẹ ơi, con hứa lần sau con sẽ làm việc vặt”. Theo bà Tuionetoa, đặt kỳ vọng bằng một biểu đồ công việc sẽ tạo cơ hội cho con thực hành việc giữ lời.
“Một điều tôi thực hành với các con hằng năm là biến chúng thành một phần trong biểu đồ công việc. Trẻ em biết có những công việc nhất định chúng cần phải làm. Để con tự chọn ngày hoặc nói về tần suất làm việc nhà sẽ giúp trẻ tiếp thu ý tưởng. Trẻ có quyền quyết định trong việc giữ lời hứa để hoàn thành trách nhiệm của mình”, bà Tuionetoa nhận định.
Bên cạnh đó, đưa ra những hậu quả cụ thể khi không làm việc nhà sẽ củng cố nhu cầu giữ lời của trẻ. Cha mẹ và con nên theo dõi hậu quả khi không làm việc nhà. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được tầm quan trọng.
Dứt khoát nếu không thể
Một yếu tố vô cùng cần thiết khác là cha mẹ cần giữ lời hứa. Trẻ em luôn trông đợi những điều cha mẹ có thể thực hiện. Vì vậy, phụ huynh không nên cam kết một điều gì đó nếu không thể hiện thực hoá nó. Khi cảm nhận rằng, cha mẹ là một người luôn giữ lời, trẻ sẽ học hỏi điều đó. Nếu phụ huynh nói rằng sẽ đưa con đến công viên, hãy thực hiện điều đó. Nếu không giữ lời hứa với con, cha mẹ sẽ tự biến mình trở thành người thiếu uy tín và dần đánh mất lòng tin ở trẻ.
Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ không nên hứa khi chưa chắc chắn. Sau đó, hãy thực hành bằng cách phản hồi thẳng thắn những yêu cầu khó của trẻ. Cha mẹ có thể nói những câu như: “Để mẹ cân nhắc” hoặc “Chuyện đó sẽ bàn sau”, hay thậm chí là “Không”.
“Tôi nhớ những lời hứa hão huyền đã làm suy sụp tinh thần của mình khi còn nhỏ. Đừng làm điều đó với con của chúng ta. Hãy làm tốt hơn, ngay cả là ở những việc nhỏ. Dạy con tầm quan trọng của việc giữ lời hứa bằng cách tự mình thực hiện. Không gì hơn việc trở thành những phụ huynh để con có thể gửi gắm sự tin tưởng”, bà Tuionetoa nói.
Tất nhiên, cha mẹ không cố ý làm tổn thương cảm xúc của trẻ khi thất hứa. Song, trẻ có thể cho rằng, chúng không quan trọng với cha mẹ. Bởi, phụ huynh không ưu tiên để thực hiện mối quan tâm đó của con. Các mối quan hệ đòi hỏi sự nỗ lực. Khi giữ lời hứa, phụ huynh đã trở thành người hùng trong mắt trẻ và là tấm gương của con.
“Nếu cha mẹ không giữ lời, tại sao mình phải làm thế?”, chắc chắn đó sẽ là câu hỏi khi trẻ chứng kiến phụ huynh thất hứa. Chúng ta không muốn con mình trở thành kẻ thất hứa khi chúng lớn lên. Tuy nhiên, khi xem nhẹ những lời hứa, cha mẹ đang tự khiến con mình thực hiện những điều tương tự trong tương lai.
Thùy Linh/TH