Giúp trẻ quen làm việc nhà
Anh chị tưởng chừng “bó tay” về thái độ sống của con trai. Thế rồi một hôm, chị cương quyết: “Ăn xong con phải dọn bát đũa. Mẹ nấu ăn mệt rồi”. Những lần đầu thằng con miễn cưỡng làm. Sau đó, nó quen dần công việc dọn bát và lại được mẹ nó giao việc mới là rửa bát. Đứa con cũng phản đối nhưng vẫn làm. Dần dần nó vui vẻ với nhiệm vụ mới. Dần dà mẹ nó giao thêm nhiệm vụ quét nhà. Bố nó chỉ bảo nó về cách học toán trên mạng. Thằng con học miễn cưỡng như sau lần cậu ta được điểm 9 môn toán đã chú ý học hành hơn.
(Ảnh minh họa) |
Gần đây, chị khoe với bạn bè rằng con mình đã theo mẹ ra vườn cuốc cỏ. Đây là lần đầu tiên nó ra vườn, dù em gái của nó ra thường xuyên. Thấy con cái tiến bộ, anh chị vui vẻ hơn.
Gia đình anh chị nói trên là tương đối may mắn. Nhiều gia đình dở khóc, dở cười vì con mình đã học đại học rồi mà không biết làm việc nhà gì cả. Khi còn ở nhà, việc của nó như giặt là quần áo, thu dọn phòng ốc đều do mẹ nó làm. Lên học đại học, nó ăn cơm quán, giặt là cũng ở cửa hàng… Một chủ công ty vệ sinh cho biết, có lần cơ quan anh nhận được “nhiệm vụ” từ một cô sinh viên: Rửa chậu bát cô và bạn bè ăn liên hoan từ tuần trước. Chậu bát này chỉ dăm cái bát, mấy cái thìa, đũa… Nhân viên của ông rửa bát chỉ trong vài chục phút và nhận được… 300.000 đồng. Ông chủ này lắc đầu ngán ngẩm vì có nhiều trường hợp… lười tương tự như vậy ở các bạn trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, để con tham gia làm việc nhà là rèn cho con tính cách siêng năng, thích lao động, tự lập không ỷ lại… Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, lao động chân tay giúp trẻ khỏe mạnh hơn, tăng cường hệ miễn dịch. Trẻ lao động chân tay cũng như tập luyện thể dục – thể thao sẽ phát triển chiều cao tốt hơn.
Việc rèn luyện này tốt nhất là ở độ tuổi còn nhỏ, 2 – 3 tuổi. Lúc trẻ ở trên dưới 2 tuổi, cha mẹ cần cho con “làm việc” tự xúc ăn, dù lúc đầu nó sẽ vụng về làm rơi vãi thức ăn nhưng sau đó mọi việc ổn dần. Trẻ lớn hơn, giao việc phù hợp với lứa tuổi của chúng, chủ yếu là việc đơn giản, nhẹ nhàng. Khi trẻ hoàn thành công việc tốt, bố mẹ cần có lời khuyến khích, động viên. Tốt nhất là giao việc gì khiến chúng tham gia cùng bố mẹ, như làm vườn hay chuẩn bị một bữa ăn… Tuyệt đối cha mẹ không dùng việc nhà để phạt con mình. Làm như vậy là vô tình khiến con trẻ sợ làm việc nhà. Cuối cùng, giao việc cho trẻ cần đều đặn trong không khí vừa nghiêm túc vừa vui vẻ.
Theo Kinh tế & Đô thị