“Diệt sâu bọ” xong, chị em khoe mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ đủ màu sắc khắp MXH
Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) hàng năm vốn có nguồn gốc sâu xa từ Trung Quốc nhưng khi về nước ta, nó đã được Việt hóa, trở thành Tết “giết sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên.
Theo tục lệ, vào ngày này, mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết. Lễ cúng trong ngày này thường là hoa quả theo mùa, bánh trái có nguồn gốc tự nhiên… thường không thể thiếu. Ngoài ra còn có các món ăn khác tuỳ theo địa phương.
Theo truyền thống, cũng trong dịp này, chị em nội trợ lại chuẩn bị hoa quả, bánh trái để thắp hương. Tuy vẫn là hoa quả theo mùa, bánh trái quen thuộc nhưng ngày càng được bày biện đẹp mắt, trang trọng hơn nhiều. Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ 2, vì thế có nhiều gia đình thực hiện lễ cúng trước 1 ngày (Chủ nhật) để có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn.
Năm nào cũng vậy, chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) đều sắp sửa lễ vật để cúng Tết Đoan Ngọ. Năm nay chị cúng đúng ngày và thực hiện lễ cúng rất sớm. Là một bà nội trợ đảm đang, khéo léo, chị Hưng Giang bày biện mâm cỗ cúng rất đẹp mắt. Trên mâm cỗ của chị có mận, vải là hoa quả theo mùa. Ngoài ra món cơm rượu, bánh tro là không thể thiếu. Bên cạnh đó chị còn làm bánh nếp tạo hình quả quýt vô cùng đẹp mắt, sống động nhìn như thật. Chị còn điểm thêm hoa sen hồng, sen trắng, mẫu đơn, hoa nhài để tăng thêm vẻ đẹp cũng như thanh khiết của mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ, tất cả đều có nguồn gốc từ tự nhiên.
Mâm cỗ đẹp mắt, trang trọng của chị Tô Hưng Giang
Cũng như chị Tô Hưng Giang, năm nào nhà báo Vĩnh Quyên cũng cúng Tết Đoan Ngọ. Chị từng viết, mâm lễ ngày Tết Mùng Năm… với lá xanh, hoa thắm, mật ngọt, rượu nồng, đâu cũng là những thức thời trân (thực phẩm quý theo mùa) đơn giản nhưng đang đạt độ chín đắm say. Nhiệt nóng bừng bừng bởi men trầu, men rượu, men mật ngọt, và hơi nóng của tình sẽ tạo nên mâm cỗ viêm nhiệt chân thành. Mâm lễ là sự kết hợp hài hoà của màu, của vị, của hương như một bức tranh đồng quê thu nhỏ.
Quả thực vậy, mâm lễ cúng của chị tuy các món đều quen thuộc nhưng được chính tay chị lựa chọn kỹ càng vô cùng tươi ngon, đều là đặc sản của đất của trời như vải Thanh Hà, mận hậu Sơn La… Ngoài ra, còn có cơm rượu thơm nức, bánh tro giản dị, bánh khảo, bánh xu xê, trà sen tự ủ, cốm… Đúng như chị nói, mâm cỗ này vô cùng hài hoà, như một bức tranh đồng quê thu nhỏ.
Mâm lễ của nhà báo Vĩnh Quyên
Cùng xem thêm các mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của các chị em khác:
Mâm lễ cúng của chị Nguyễn Ánh Hoà với rất nhiều món ngon, trong đó có cả chè trôi, thạch…
Mâm cỗ giết sâu bọ của gia đình chị Nguyễn Phương Liên
Mâm cỗ của gia đình chị Vũ Thanh Hoan
Hai mâm cỗ mặn và ngọt cúng Tết Đoan Ngọ của chị Ngọc Liên
Mâm lễ đủ loại hoa quả, sản vật ngon của nhà chị Phan Thanh Mai
Lễ cúng toàn món ngon từ vịt của gia đình chị Thơm Nguyễn
Mâm lễ của gia đình chị Phạm Thu Hiền (Hải Phòng)
Mâm lễ đơn giản nhưng đầy đủ các món cần thiết cho Tết Đoan Ngọ của gia đình chị Dương Sáng
Mâm cỗ giết sâu bọ của chị Thuý Hương
Mâm lễ cúng của gia đình chị Trang Bún.