Dạy con trong gia đình: Nên nghiêm khắc hay dân chủ?
Việc dạy con trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc con bạn lớn lên trở thành ai. Vì thế nhiều cha mẹ cảm thấy căng thẳng, lo lắng trong việc lựa chọn nghiêm khắc hay khoan dung với con cái.
Nghiên cứu đã xác định ra 4 kiểu cha mẹ phổ biến dựa trên mức độ yêu cầu của cha mẹ với con cái.
Cha mẹ nghiêm khắc và kiểm soát
Kiểu cha mẹ độc tài rất nghiêm khắc và kiểm soát. Con cái họ phải mù quáng tuân theo các quy tắc của họ mà không hỏi bất kỳ câu hỏi nào.
Thương lượng với họ không phải là một lựa chọn, vì như vậy sẽ được coi là cãi lại. Họ không xem xét cảm xúc và ý kiến của con cái họ. Khi con của họ vi phạm một quy tắc nào đó, họ có thể sử dụng hình phạt thay vì kỷ luật.
Những bậc cha mẹ như vậy có thể gọi cách dạy con của họ là “yêu cho roi cho vọt” và tin rằng nó sẽ giúp con họ được chuẩn bị tốt hơn khi bước vào xã hội.
Thật không may, kiểu nuôi dạy con cái này có thể thực sự gây hại cho một đứa trẻ. Con cái của những bậc cha mẹ độc tài thường kém độc lập, bất an hơn, có vấn đề về lòng tự trọng và kém các kỹ năng xã hội quan trọng. Điều này xảy ra bởi vì ý kiến của trẻ không được coi trọng khi họ còn nhỏ và vì cha mẹ họ luôn quyết định mọi thứ cho trẻ.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, việc nuôi dạy con cái độc đoán có thể khiến trẻ trở nên hung hăng trong các mối quan hệ sau này. Những đứa trẻ như vậy có thể không học đúng sai vì chúng không bao giờ được giải thích, điều đó có thể biến chúng thành những kẻ nói dối vì chúng luôn muốn tránh bị trừng phạt.
Cha mẹ quan tâm và dân chủ
Kiểu cha mẹ này cũng giống như cha mẹ độc tài vì họ cũng thiết lập ranh giới và tạo các quy tắc. Tuy nhiên, điều khác biệt là họ giải thích hành động và quyết định của mình cho con cái. Họ chú ý hơn đến những suy nghĩ và cảm xúc của con cái họ. Thay vì trừng phạt con cái, họ sử dụng kỷ luật và củng cố hành vi tốt.
Kiểu nuôi dạy con cái này còn được gọi là dân chủ vì trẻ em được phép nói lên ý kiến của mình và thảo luận lành mạnh với cha mẹ. Các bậc cha mẹ có thẩm quyền cũng đầu tư rất nhiều tâm sức vào sự phát triển của con nhưng họ không kiểm soát quá mức. Con cái của họ được phép mắc lỗi và học hỏi từ chúng mà không sợ bị trừng phạt.
Ảnh minh họa.
Con cái của những bậc cha mẹ này thường độc lập và tự tin hơn. Chúng giỏi hơn trong việc tự quyết định và có kỹ năng giao tiếp tốt. Trẻ cũng có kỹ năng kiểm soát bản thân và cảm xúc tốt hơn, biết đồng cảm hơn. Tất cả những kỹ năng này có thể giúp trẻ trở nên thành công trong cuộc sống.
Cha mẹ quá dễ dãi
Kiểu cha mẹ này cũng thiết lập quy tắc nhưng họ hiếm khi thực thi chúng. Họ có thể khó từ chối hoặc kỷ luật con cái, hành vi xấu có thể dễ dàng được tha thứ. Họ là một người bạn hơn là cha mẹ. Cha mẹ dễ dãi coi trọng cảm xúc và mong muốn của con cái, thậm chí có thể quá mức, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
Những bậc cha mẹ nuông chiều như vậy hiếm khi sử dụng kỷ luật, con cái của họ có thể gặp vấn đề với việc tự kiểm soát và tuân theo các quy tắc, điều này tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của chúng.
Trẻ cũng có thể cảm thấy có quyền được bất cứ thứ gì chúng muốn. Con cái của những bậc cha mẹ dễ dãi thường có lòng tự trọng thấp và có thành tích học tập không cao.
Ảnh minh họa.
Cha mẹ lơ là
Đây là kiểu cha mẹ không hiện diện nhiều trong cuộc sống của con cái họ và có ít ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Họ không đặt ra nhiều quy tắc hoặc cung cấp cho con cái của họ đủ sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn, họ mong đợi con cái của họ sẽ tự lớn lên.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc lơ là đó cũng là cố ý. Trường hợp này thường xảy ra trong các gia đình mà cha mẹ quá tải với các vấn đề của riêng họ, chẳng hạn như căng thẳng trong công việc hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Con cái của những bậc cha mẹ này có thể gặp vấn đề về lòng tự trọng và kết quả học tập. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, dẫn đến trở nên bốc đồng. Trẻ khó tuân theo các quy tắc, giao tiếp và hình thành mối quan hệ thân thiết với những người khác vì trẻ không nhận được tình yêu và sự hỗ trợ khi còn nhỏ.