Đào nở hồng rực chân núi Lảo Thẩn
Hoa đào bung nở tô thắm dưới chân núi sau khi trải qua mùa đông giá rét và tuyết rơi tại Y Tý. Thôn Phìn Hồ nằm ở độ cao hơn 2.000 m, là thôn cao thứ hai (sau Trung Chải) tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, cách thị xã Sa Pa khoảng 80 km về phía tây.
Mùa xuân về Phìn Hồ – thôn nằm ở cửa ngõ vào Y Tý theo tuyến đường ngắn nhất từ xã Trịnh Tường lên Y Tý.
Thôn Phìn Hồ có 78 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu. Điểm nhấn tại thôn là nhà nào cũng trồng đào quanh nhà trình tường để bán vào mỗi dịp xuân về. Nhà nào không trồng nhiều thì cũng có vài cây tô điểm trước sân, có hộ trồng cả đồi hoa đào.
Đào nở khoe sắc thắm ở Phìn Hồ, dưới chân núi Lảo Thẩn. Ngọn núi cao 2.860 m, nơi được mệnh danh là “thiên đường săn mây” của nóc nhà Y Tý. Trưởng thôn Vàng A Hồ (26 tuổi, người H’Mông) cho biết dân đến định cư tại thôn Phìn Hồ từ trước những năm 1990 và trồng nhiều gốc đào cổ. Tới nay, phần lớn là các gốc đào đã trên 30 năm tuổi.
A Hồ cho hay, khí hậu trên Phìn Hồ quanh năm sương mù, giá rét. Cây đào thường mọc nhiều rêu và địa y, nên còn được gọi là đào mốc, nụ to như hạt ngô và hoa nở rất rực rỡ. Mỗi cành đào to, rêu mốc và dáng đẹp có giá 1 – 3 triệu đồng, mang lại thu nhập cơ bản cho người dân trong mùa xuân.
Chú Vàng A Lềnh mang củi từ rừng về dưới tán hoa đào tươi thắm. Chú nói ban ngày người dân ở đây đi làm nương, trồng khoai và ruộng lúa nước, ngoài ra còn trồng các loại thảo dược như thảo quả, xuyên khung.
Bé gái H’Mông, Lý Thị Sua, 5 tuổi, trèo lên cây đào đang nở đẹp trước nhà sau khi cho cho lợn ăn. Phìn Hồ có điện nước, hàng hóa chủ yếu là tự cung tự cấp, đời sống bà con nơi đây còn khó khăn. Trẻ con được học hết lớp 2 tại thôn, sau đó được nhà trường nhận về ở bán trú đến lớp 9, sau đó hầu hết các em về phụ gia đình. Thanh niên trong thôn chuyên làm hướng dẫn viên, porter dẫn khách leo núi.
Bức tranh xuân vùng cao.
Mùa hoa đẹp rực rỡ trong khoảng 2 tuần rồi tàn, sau đó đào ra quả có thể thu hoạch và bán vào mùa hè. Ngoài hoa đào, hoa mận, du khách đến Phìn Hồ có thể tìm mua các loại đặc sản khác tại địa phương là rượu thóc ngâm mật ong rừng, trâu sấy, lợn sấy.
Theo anh A Hồ, người dân Phìn Hồ chưa làm du lịch nhiều, chưa có homestay và ít du khách biết đến thôn này. Khách du lịch chủ yếu là nhiếp ảnh gia đến săn ảnh, khách phương xa đến mua đào và người đi phượt săn mây trên đỉnh Lảo Thẩn ngủ qua đêm tại thôn.
Ảnh: Vàng A Hồ