Chuyên gia hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị tâm lí cho trẻ lớp 1 học online
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN dành lời khuyên, hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị tâm lí cho trẻ lớp 1 học online
Cha mẹ cần rèn tính kiên nhẫn
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN dành lời khuyên giúp cha mẹ tạo cho con tâm lí vững vàng, sẵn sàng bước vào năm học mới.
Trước hết, cha mẹ hãy cố gắng tìm kiếm niềm vui trong những giờ học tập cùng con. Để làm được điều này, trước tiên, cha mẹ cần chuẩn bị tâm thế tốt, đặc biệt là rèn tính kiên nhẫn.
“Mỗi đứa trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau. Có những bạn học rất nhanh nhưng cũng có bạn cần thêm thời gian,…Chính vì thế, cha mẹ đừng nôn nóng, đừng vội vàng tạo áp lực cho con nếu như thấy con chậm hơn so với mong đợi.
Cha mẹ cũng không nên so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác bởi sự so sánh này chỉ làm chúng ta bức xúc, dễ nổi nóng, cáu gắt với con nhỏ” – PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa đưa ra lời khuyên.
Tạo dựng thói quen học tập
Đối với trẻ lớp 1, dù học online hay học trên lớp, cha mẹ cần tạo dựng cho con thói quen và sự hào hứng trong học tập. Cụ thể, cần chuẩn bị cho con góc học tập riêng có bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập,… để tạo cho con thói quen bước vào góc học tập là sẵn sàng cho việc học.
“Dù học với máy tính hay điện thoại, cha mẹ cũng nên cho con ngồi vào đúng vị trí của mình, vừa yên tĩnh lại có thể tạo tâm thế học tập. Sau này, khi không phải học online nữa con cũng đã xây dựng cho mình thói quen học tập tốt” – PGS.TS chia sẻ.
Để con có cảm hứng và yêu thích việc học ngay từ những ngày đầu lên lớp, cha mẹ có thể cùng con lên ý tưởng, trang trí góc học tập bằng các hình dán,…
Hướng dẫn con bảo vệ sức khỏe đôi mắt bằng việc giữ khoảng cách phù hợp khi sử dụng máy tính hoặc dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt.
“Tránh việc để con mặc quần áo ngủ, không ngay ngắn khi tham gia lớp học. Việc chú ý đến hình thức bên ngoài của con rất quan trọng trong việc giúp con ý thức, phân định được đâu là giờ học. Từ đó, hình thành thói quen học tập nghiêm túc cho con. Ngoài ra, nếu con áp lực về số lượng bài, các hoạt động, cha mẹ cần chia sẻ với giáo viên để điều chỉnh số lượng, giảm tải cho phù hợp với khả năng của mỗi đứa trẻ” – PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa tư vấn.
Thanh Vân/TH