Take a fresh look at your lifestyle.

Lê Văn Hoàng – Thành ông chủ chuỗi cà phê từ bàn tay trắng

Từ đôi bàn tay trắng, anh Hoàng đã sở hữu chuỗi cà phê nổi tiếng ở tuổi 30. Chưa dừng lại, anh nỗ lực mỗi ngày để hiện thực hóa giấc mơ đưa Việt Nam có tên trên bản đồ cà phê thế giới.

7 tháng tỉ tê thuyết phục khách đến với cà phê pha máy

Dáng người nhỏ nhắn, anh Lê Văn Hoàng (SN 1990, phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) – ông chủ của chuỗi quán cà phê thương hiệu Enjoy Coffee ngược xuôi như con thoi để quản trị lại hệ thống kinh doanh sau thời gian “ngủ đông” vì dịch COVID-19.

Anh Hoàng chia sẻ, trong năm qua, cả 8 quán cà phê (6 điểm Đắk Nông, còn lại TPHCM và Hà Nội) đều “cầm cự” cho qua đại dịch. Được vậy là nhờ công ty nhanh chóng chuyển sang hình thức giao hàng mang đi cho hợp với tình hình giãn cách.

Anh Hoàng đầu tư máy móc, chế biến cà phê theo chuỗi khép kín

Dẫn phóng viên thăm xưởng rang xay được tự động hóa bằng máy móc hiện đại nằm ngay lòng TP Gia Nghĩa anh Hoàng nhớ lại cơ duyên với cà phê. Quê anh ở miền núi xứ Thanh, 14 tuổi đã theo người thân vào Đắk Nông sinh sống. Sau giờ lên lớp, anh làm đủ việc để trang trải cuộc sống. Sương gió phong trần sớm tôi rèn anh thành người tự lập, chăm chỉ và tính kỷ luật cao. Bốn năm theo học ngành Kế toán, anh Hoàng đã tự lo cho bản thân bằng nghề sở trường là tiếp thị, bán hàng, giới thiệu sản phẩm.

Năm 2012, anh tốt nghiệp, quay về Đắk Nông. Thời điểm này, các “ông lớn” trong ngành cà phê nổi tiếng nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Đây cũng là lúc khách hàng bắt đầu nói không với “cà phê bẩn”. Ý tưởng kinh doanh mới nảy ra, anh xuống TPHCM học nghề pha chế thức uống và tìm hiểu về ngành F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống), chuẩn bị tiền đề cho ra đời mô hình cà phê pha máy đầu tiên tại Đắk Nông mang tên Enjoy Coffee.

 “Từ lúc thai nghén đến khi thực hiện ý tưởng, cà phê là linh hồn của Enjoy Coffee. Thế nhưng đời không như mơ! Hết ngày khuyến mãi khai trương, không ai gọi ly cà phê pha máy, đơn giản vì nhạt. Mình đã dự liệu trước nên duy trì quán bằng các thức uống đá xay. Hễ ai quan tâm tới cà phê nguyên chất, pha máy, mình liền gác việc, tỉ tê cùng họ. Cứ thế đến tháng thứ 7, khách hàng mới quen được hương vị cà phê pha máy, cà phê nguyên chất ”, anh Hoàng kể lại.

Từ quán cà phê ban đầu, anh Hoàng thành lập Cty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông, chiêu mộ thêm cộng sự cùng đam mê, phát triển thành chuỗi hệ thống. Năm 2017, công ty anh mở cửa hàng thứ 2, đến nay đã có điểm thứ 8. Mong muốn khách hàng được thưởng thức cà phê nguyên chất, anh Hoàng tự tìm hiểu sâu về quy trình chăm sóc, thu hái và rang xay cà phê. Để tìm ra công thức cà phê tuyệt hảo, anh đi nhiều nơi, nếm đủ vị, trải nghiệm văn hóa thưởng thức cà phê ở các vùng miền khác nhau.

Dám nghĩ, dám làm

Để chủ động kiểm soát chất lượng cà phê, anh Hoàng lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, khép kín. Anh thuyết phục nhiều nông hộ chuyển sang mô hình trồng cà phê theo hướng bền vững (không lạm dụng phân hóa học, hái quả xanh…). Dù anh cam kết thu mua toàn bộ sản lượng với giá cao song không được nông dân ủng hộ.

Nhiều du khách đến Enjoy Coffee tìm hiểu cà phê

“Có người nhận lời rồi từ chối. Do chưa đủ sức thuyết phục để người khác tin, mình quyết định làm trước và đó là lý do ra đời nông trại cà phê 17 ha. Tại đây, mình xây dựng 3 xưởng chế biến cà phê theo quy trình khép kín”, anh Hoàng nói.

Sau khi minh chứng thành công mô hình canh tác cà phê chất lượng, bền vững, công ty của Hoàng liên kết 30 nông hộ tại Đắk Nông với sản lượng 300 tấn/năm. Những nông hộ tham gia vào mô hình liên kết được công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. Ngoài ra, anh còn mở nhiều buổi tập huấn về cà phê, giúp nông dân có thêm kiến thức, giảm thiểu rủi ro trong canh tác, ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao chất lượng và thu lợi nhuận cao.

Ông Mai Huyệch (thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan (TP Gia Nghĩa) là một điển hình liên kết thành công với công ty của Hoàng từ cuối năm 2017. Với diện tích hơn 3,5ha cà phê Robusta trồng từ năm 2000, ông Huyệch đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ, tuân thủ quy trình hái chín, phơi sấy sạch sẽ. Mỗi vụ thu hoạch, ông thu từ 2-3,5 tấn/ha, bán với giá 40- 50 nghìn đồng/ký, sau khi trừ chi phí, lãi hơn cách trồng truyền thống 20 triệu đồng/ha. Ông hy vọng, dịch bệnh nhanh qua, công ty mở rộng thị trường, thúc đẩy giá cả và tăng lợi nhuận cho nhà nông.

Anh Hoàng cho hay, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu về xuất khẩu song chưa có tên trên bản đồ cà phê thế giới. Theo anh, nguyên nhân do phương thức canh tác lạc hậu, manh mún, không kiểm soát được chất lượng, minh chứng rõ nhất là ta chưa làm chủ được thị trường, không quyết định được giá bán.

Trong 5 năm, từ đôi bàn tay trắng, anh Hoàng đã biến một điểm cà phê thành công ty có doanh thu tiền tỷ. Đơn cử, năm 2020, dù tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cà phê vừa và nhỏ gặp khó khăn, thậm chí phá sản, riêng Cty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông đạt doanh thu 15 tỷ, lợi nhuận 2 tỷ đồng.

Công ty anh tạo việc làm thường xuyên cho 25 thanh niên và 55 lao động thời vụ. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, cửa hàng Enjoy Coffee đường 23/3 (TP Gia Nghĩa) trở thành một trong những điểm đến của Công viên địa chất Đắk Nông (được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu) thu hút khách du lịch và quảng bá văn hóa Đắk Nông đến bạn bè quốc tế.

Nhiều năm qua, anh Hoàng được các cấp ngành tuyên dương, khen thưởng. Năm 2020, anh cũng là 1 trong 56 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản HCM trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ 15, và 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

“Với mình, kết quả trên mới bước đầu, thành tựu lớn nhất là tạo công việc cho nhiều người. Theo mình, mỗi đoàn viên thanh niên cần tìm con đường phát triển riêng. Hãy nỗ lực hết sức và đừng ngại thất bại, bởi ta còn trẻ”, ông chủ chuỗi cửa hàng Enjoy Coffee nhắn nhủ. 

TH