Khát khao trẻ em Việt được đào tạo tiếng Anh chuẩn quốc tế với giá “bình dân”
Sau khi giành được học bổng của Chính phủ Pháp và tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Marketing tại Thủ đô Paris, Lê Ánh Ngọc lập tức trở về Việt Nam với mong muốn đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch nước nhà.
Và khi trở thành mẹ của hai thiên thần, chị sáng lập iFes English- Trung tâm Anh ngữ cho trẻ em bởi khát khao nhiều trẻ em Việt Nam được đào tạo tiếng Anh chuẩn quốc tế với giá “bình dân”.
Học thạc sĩ tại Paris (Pháp), Lê Ánh Ngọc may mắn được thực tập tại một công ty quản lý khách sạn. Trở về Việt Nam, chị tiếp tục kiên định với nhân duyên này, nỗ lực học hỏi, trau dồi và phát triển bản thân suốt hơn 10 năm. Và sự kiên định đó đã đưa chị lên vị trí Trưởng phòng Truyền thông & Tiếp thị, Khách sạn Hà Nội Daewoo.
Cùng với đam mê, cống hiến, sáng tạo và gắn bó với nghề, Lê Ánh Ngọc cũng luôn chăm chút cho gia đình, nhất là hai thiên thần nhỏ. Mong ước xây dựng một trung tâm đào tạo tiếng Anh chuẩn quốc tế với mức học phí không phải là nỗi lo, gánh nặng cho phụ huynh được thai nghén khi con gái đầu lòng của chị lên 3 tuổi. Và rồi dự án start-up đầu tay trong lĩnh vực giáo dục của chị mang tên iFes English đã “chào đời” tháng 6/2019. “Đứa con tinh thần” ấy vẫn đứng vững qua đợt “sóng thần” Covid-19 năm 2020 và ngày càng khẳng định thương hiệu, tên tuổi trong làng đào tạo tiếng Anh cho trẻ em.
Là Trưởng phòng Truyền thông & Tiếp thị của một trong những khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội, điều gì khiến chị sáng lập và “nhào nặn” một Trung tâm ngoại ngữ chuẩn quốc tế mà không phải dự án start-up trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú?
Bên cạnh vai trò Trưởng phòng Truyền thông & Tiếp thị, Khách sạn Hà Nội Daewoo, tôi còn là một người mẹ. Khi bé lớn 3 tuổi, tôi bắt đầu tìm kiếm tìm hiểu các trung tâm tiếng anh cho trẻ tại Hà Nội để con theo học.
Là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, từng có cơ hội đi du học và làm việc cho những khách sạn hàng đầu thủ đô, hơn ai hết, tôi hiểu rằng, trong thế giới phẳng hiện nay, tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ thứ 2 mà còn là bước đệm quan trọng trên con đường thế hệ trẻ trở thành công dân toàn cầu.
Việc cho trẻ được tiếp cận tiếng Anh chuẩn quốc tế từ những năm đầu đời là vô cùng quan trọng, nhất là giai đoạn 4 đến 5 tuổi. Đây được coi là thời điểm vàng để trẻ tiếp thu ngoại ngữ theo trình tự tự nhiên về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thay vì học thụ động như khi trưởng thành. Đây cũng là giai đoạn hình thành bản đồ ngôn ngữ trong não bộ, giúp trẻ ghi nhớ và tiếp thu nhanh hơn.
Quá trình tìm hiểu và khảo sát trung tâm tiếng Anh phù hợp cho con, tôi nhận thấy những trung tâm có cơ sở vật chất tốt, chất lượng dậy và học chuẩn chỉnh, chuyên nghiệp thì học phí quá cao còn những cơ sở có mức học phí vừa tầm lại khiến tôi băn khoăn và cảm thấy chưa yên tâm.
Vì thế, tôi gom góp mọi nguồn lực của gia đình, quyết tâm đầu tư xây dựng iFes English – Trung tâm tiếng Anh chuẩn quốc tế dành cho các bé từ 4 – 11 tuổi, với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản và đặc biệt học phí không phải là nỗi lo, gánh nặng cho đại đa số phụ huynh.
Đó là nơi các con tôi và bạn bè của chúng được khơi gợi, đánh thức tình yêu, đam mê với tiếng Anh; là nơi những bạn nhỏ yêu tiếng Anh được cùng nhau học tập và trải nghiệm.
Phần lớn thời gian kể từ khi iFes English khai sinh đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, làm thế nào để dự án của chị vẫn tồn tại và ngày càng phát triển?
Là một start-up trong lĩnh vực giáo dục, khó khăn nhất đối với tôi là hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy phép vì phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí về cơ sở vật chất, giáo viên, học thuật…
Nhưng khó hơn cả vẫn là làm sao để tiếp cận và tạo được niềm tin nơi phụ huynh. Phụ trách lĩnh vực truyền thông khách sạn hơn 10 năm, tôi hiểu rõ sức mạnh của Marketing – Truyền thông trong việc đưa thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. Tuy nhiên, hầu bao của một start-up có hạn, không thể chi mạnh tay như các doanh nghiệp lớn.
Khởi nghiệp với iFes English, tôi chọn xây dựng thương hiệu chậm mà chắc. Tôi không quảng bá quá mạnh, phủ sóng tất cả các kênh trong giai đoạn đầu để đạt chỉ tiêu về số lượng. Thay vào đó, tôi dành toàn bộ nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, gia tăng giá trị và tổ chức các buổi học miễn phí cho học sinh.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn gia tăng giá trị cho học sinh bằng những lớp học miễn phí vào mỗi cuối tuần cho các bạn cần bổ trợ kỹ năng, kiến thức. Các thầy cô tại trung tâm đều rất xúc động khi những học sinh ở rất xa trung tâm, vậy mà ngoài 2 buổi học trong tuần, cuối tuần nào phụ huynh cũng cho con đi học vì bé rất thích học chứ không phải kỹ năng kém. Những giá trị riêng biệt ấy, chỉ iFes English mới có.
Thật vui và tự hào vì hầu hết các phụ huynh có con học ở iFes English đều là đại sứ giúp lan tỏa thương hiệu giúp chúng tôi.
Còn vấn đề giữ chân giáo viên chất lượng cao trong bối cảnh Covid-19 thì sao, thưa chị?
Điều khiến tôi nuối tiếc nhất trong năm 2020 là mỗi khi dự định tổ chức hoạt động, sự kiện gì để thu hút học sinh thì lại bị Covid-19 kìm nén. Tuy nhiên, chúng tôi phải cảm ơn các phụ huynh rất nhiều, vì nhờ có sự giới thiệu chân thành, khách quan của họ, số học sinh và số lớp tăng trưởng đều đặn.
Để giữ chân giáo viên bản ngữ, nhất là những người có kinh nghiệm bình thường đã khó, trong bối cảnh Covid-19 lại càng khó hơn. Quan trọng nhất phải đảm bảo số giờ dạy và thù lao cho họ.
Tôi nghĩ một trong những lý do khiến đội ngũ giáo viên lựa chọn đồng hành, không ngừng nỗ lực tạo ra những giá trị khác biệt cho học viên chính là họ cảm nhận được Ban Lãnh Đạo trung tâm làm giáo dục với cái tâm chứ không phải đặt lợi nhuận lên đầu.
Ở vai trò start-up trong lĩnh vực giáo dục, theo chị khởi nghiệp trong nước sẽ có những thuận lợi gì và chị mong muốn sẽ được các cơ quan chức năng có những chính sách hoặc hỗ trợ như thế nào?
Ở Việt Nam, ở Pháp hay bất cứ đâu cũng thế, chính quyền và doanh nghiệp luôn ưu tiên cơ hội việc làm hoặc dự án đầu tư, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp địa phương.
Qua quá trình gây dựng và phát triển iFes English, tôi nhận thấy khá nhiều thuận lợi sẽ không thể có nếu khởi nghiệp ở nước ngoài. Đơn cử, trong quá trình làm giấy tờ, thủ tục cấp phép cho trung tâm, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn chúng tôi từng bước, rất bài bản, cụ thể. Đó là sự động viên, giúp đỡ rất lớn đối với chúng tôi.
Bên cạnh đó, như tôi đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp start-up thường hạn chế về chi phí marketing, truyền thông. Nếu điều kiện cho phép, tôi nghĩ Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội có thể hỗ trợ các Trung tâm bằng cách đề xuất, đánh giá khách quan về chất lượng các Trung tâm trên cổng thông tin điện tử chuyên biệt. Có thể phân chia theo vị trí, khu vực, gợi ý về mức học phí, chất lượng đào tạo…
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, tôi nghĩ đây là việc trong tầm tay, hiệu quả và không tốn kém. Việc Trung tâm được giới thiệu trên website của Sở chính là bảo chứng về chất lượng, mang đến niềm tin cho các bậc phụ huynh.
Được biết, bên cạnh iFes English, năm 2017 chị còn là đồng sáng lập thương hiệu La Grupa Steak House. Làm tốt một việc đã khó, bí quyết nào giúp một người phụ nữ xinh đẹp 33 tuổi cân bằng giữa công việc và các dự án khởi nghiệp của mình?
Năm 2017, tôi nhận được lời đề nghị hợp tác của một người em thân thiết là đầu bếp trẻ từ Nhật trở về. Bạn ấy ấp ủ ước mơ mở một nhà hàng bít tết kiểu Âu của riêng mình, một điểm đến ấm cúng, nơi khách hàng có thể thực sự ăn món mình thích với chất lượng xứng đáng và mức giá thực sự hợp lý. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những mong muốn của tôi, và chúng tôi đã trở thành cộng sự.
Người ta nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Tôi may mắn khi được phát triển La Grupa và iFes English cùng các cộng sự trẻ, tài năng và nhiệt huyết. Họ là linh hồn sau bàn ăn, trong những giờ dạy đầy hân hoan cho học sinh, sau mỗi nụ cười và sự hài lòng về dịch vụ của khách hàng.
Cân bằng giữa công việc toàn thời gian và dự án khởi nghiệp riêng chưa bao giờ là điều dễ dàng, đòi hỏi bạn phải đánh đổi thời gian cho gia đình hay những niềm vui cá nhân.
Phần lớn thời gian trong ngày tôi dành cho công việc mình đam mê là Phụ trách Marketing & Truyền thông tại khách sạn Hà Nội Daewoo. Buổi tối và cuối tuần, tôi dành thời gian rút kinh nghiệm cũng như bàn bạc về kế hoạch phát triển các dự án của mình cùng các cộng sự.
“Bí quyết khởi nghiệp của tôi có lẽ gói gọn trong 5 yếu tố: Đội ngũ cộng sự nhiệt huyết, đáng tin cậy và đặc biệt phải cùng chí hướng; Kiên định với các giá trị nền tảng; Bước từng bước, chậm mà chắc; Sẵn sàng đối mặt với thất bại bằng thái độ lạc quan và suy nghĩ tích cực; Và luôn là chính mình”.
– Chị Lê Ánh Ngọc, sáng lập iFes English, đồng sáng lập La Grupa
Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Việt Nam ghi nhận nhiều start-up thành công, nhưng cũng có rất nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể tiếp tục con đường, ước mơ của mình.
Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải “khai sinh” ở nước ngoài để phát triển.
Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.
Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành “thiên đường” khởi nghiệp?
Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề “Khởi nghiệp ở Việt Nam – tại sao không?”. Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: huyhaodautu@gmail.com.