Thế giới của người trưởng thành, tổng kết trong 3 chữ: Thôi, bỏ đi!
Có một vài điều, thôi, bỏ đi, là từ bi. Có một vài người, thôi bỏ đi, chính là khôn ngoan. Có một vài việc, thôi, bỏ đi, chính là thả lỏng.
Có câu, con người sống ở đời, “hữu ở vi hữu sở bất vi” (có việc tất nên làm, nhưng cũng có việc không nên làm), bởi lẽ sức lực của mỗi người là có hạn.
Có một cao nhân từng nói: “Sự khác biệt lớn giữa người với người nằm ở “hữu sở bất vi””.
Vậy thế nào là “hữu sở bất vi” (có những việc không nên làm)?
Thế giới của người trưởng thành có thể tổng kết trong 3 chữ: thôi, bỏ đi!
Thôi, bỏ đi! Đừng mãi mắc kẹt với chấp niệm
Sống ở đời, ai chẳng có nỗi buồn riêng, rất khó để nói nỗi buồn của ai đau hơn của ai.
Có điều, mọi nỗi đau buồn, nguyên nhân cốt lõi, chẳng qua cũng đều xuất phát từ hai chữ: chấp niệm (khăng khăng, cố chấp, không muốn buông bỏ một điều gì đó).
Chấp niệm quá sâu quá lớn sẽ rất dễ khiến một người chìm đắm vào quá khứ, không thể nào thoát ra, từ đó làm trầm trọng thêm nỗi đau
Trong bộ phim có tên “I Am Not Madame Bovary”, nữ chính Li Xuelian bị chồng mình dỗ dành lừa gạt, theo luật hiện hành thì một đôi vợ chồng chỉ được sở hữu một bất động sản, nên vì muốn mua thêm một ngôi nhà khác mà chồng cô đã thuyết phục Xuelian giả vờ ly hôn với anh. Kết quả, ly hôn giả thành thật, chồng cô nhanh chóng kết hôn với người khác.
Không nuốt được cục tức này, Li Xuelian quyết định tố cáo chồng mình, muốn hai người quay lại với nhau rồi lại ly hôn thực sự cho bõ tức. Nhưng cục tức lại không dễ nuốt như vậy.
Li Xuelian tìm tới chính quyền xã, rồi chính quyền quận, rồi phường rồi thành phố, cô tới tìm từng cấp chính quyền một, vấp ở đâu cô làm lại ở đó, kiên trì trong suốt nhiều năm.
Nhưng tới cuối cùng, còn chưa kịp xin được phán quyết thì bất ngờ nhận được thông tin chồng của mình đã chết.
Li Xuelian sau khi nhận được thông tin đã rất suy sụp, cảm giác như toàn bộ ý nghĩa cuộc đời mình đã biến mất.
Nhưng, cuộc đời của cô có nên chết kẹt ở chuyện này?
Li Xuelian xinh xắn thanh tú, có nhiều người ái mộ, vốn dĩ cô đã có thể có được một cuộc đời hoàn toàn khác, hoàn toàn hạnh phúc hơn, nhưng vì quá chấp niệm một nỗi đau mà đã lãng phí đi rất nhiều thời gian đáng quý.
Còn nhớ trong cuốn “Trăm năm cô đơn” của tác giả người Colombia, Gabriel Garcia Marquez, tôi có đọc được câu này:
“Người căm hận bọn họ như vậy, tranh đấu với bọn họ lâu như vậy, nhưng cuối cùng lại trở thành giống họ, không có lý tưởng nào trên thế giới phải trả giá bằng việc đắm chìm sâu vào vũng bùn lầy như vậy.”
Con người sống ở đời, ai ai, ít nhiều cũng đều gặp phải những chuyện không được như ý muốn, hay những cục tức nuốt không trôi.
Một câu “Thôi, bỏ đi”, không phải tha thứ, chỉ là không đắm chìm trong chấp niệm, cho bản thân một sự giải thoát.
Một câu “Thôi, bỏ đi”, không phải là hèn nhát, mà nó cho thấy bạn đủ chín chắn tới mức biết khi nào nên dừng lại.
Học cách buông bỏ, chủ động để mình tự bước ra.
Điều nguy hiểm và ích kỉ nhất trên thế gian này chính là đánh mất đi hi vọng chỉ vì một chút thất vọng
Có câu: “Đạt nhân tán thủ huyền nhai, tục tử trầm thân khổ hải”. Ý muốn nói, người phóng khoáng, lạc quan luôn biết lúc nào nên dừng lại, còn kẻ phàm phu tục tử luôn bị khổ đau thói đời ràng buộc.
Người lạc quan sở dĩ lạc quan đó là bởi họ rộng lượng, có cái nhìn thoáng, họ nhìn thấu được sự vật sự việc, đạt tới cảnh giới “không vì vật mà quá vui, cũng chẳng vì mình mà bi thương”.
Edison mất tới 20 năm với hơn 50000 thí nghiệm mới phát minh ra được một loại pin nhỏ gọn, bền, hiệu quả và độc lập với nguồn điện.
Có người không hiểu vì sao: “Thưa Ngài, Ngài đã thất bại những 50000 lần, điều gì khiến Ngài tin tưởng được rằng mình ắt sẽ thu được kết quả?”
Edison đáp: “Kết quả? Ôi dào, tôi vốn dĩ đã có được rất nhiều kết quả. Chẳng hạn như tôi biết là có 50000 cái là không phù hợp!”
Chúng ta đều nói thành công của Edison là nhờ vào chỉ số AQ tuyệt vời của mình. Ông hiểu được ý nghĩa của thất bại, rồi từ trong đó đúc kết ra kinh nghiệm cho mình.
AQ (chỉ số nghịch cảnh, một điểm số đo lường khả năng đối phó với nghịch cảnh trong cuộc sống của một người) cao nghĩa là không oán than phàn nàn hay đổ lỗi cho người khác, mà thay vào đó xem xét lại nguyên nhân thất bại, tổng kết ra kinh nghiệm, bất kì ai và điều gì cũng có thể trở thành tài liệu tham khảo cho bản thân.
Thôi, bỏ đi, cũng có thể gọi là một kiểu từ bỏ, từ bỏ nỗi sợ hãi với thất bại, từ bỏ những cảm xúc tiêu cực, hay tiếc nuối.
Bỏ xuống được, mới cầm lên được.
Con người, suy cho cùng, hơn nhau vẫn là ở tâm thái.
Tác giả Lộ Dao trong cuốn “Thế giới bình phàm” có viết:
“Trên thế gian này, không phải tất cả sự hợp lý và may mắn đều có thể tồn tại hoặc hiện thực theo mong muốn của bản thân.”
Thế gian này có quá nhiều điều không được như ý muốn, nhưng cuộc sống của chúng ta, vẫn cần phải tiếp tục.
Mọi thứ đều là khoảnh khắc, mọi điều đều sẽ trở thành quá khứ.
Tâm thái tuyệt vời nhất của đời người chẳng qua cũng chỉ là, nhìn thấu sự bạc bẽo, thăng trầm của thế sự, nhưng nội tâm vẫn an nhiên, không phiền lo.
Việc lớn biến thành việc nhỏ, việc nhỏ hãy để nó thành “thôi, bỏ đi”.
Có một vài điều, thôi, bỏ đi, là từ bi.
Có một vài người, thôi bỏ đi, chính là khôn ngoan.
Có một vài việc, thôi, bỏ đi, chính là thả lỏng.
Chúng ta không chăm chăm vào những chuyện thị phi, không hoan nghênh những kẻ vô tri, học cách lọc ra thông tin hiệu quả từ những cảm xúc tiêu cực, bớt để cảm xúc kiểm soát bản thân lại, dành nhiều thời gian hơn cho nỗ lực và cố gắng.
Đó là trách nhiệm và là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc hơn của người trưởng thành.
Theo Báo Dân Sinh