9 cách rèn con vào khuôn khổ
Tùy vào từng tình huống, cha mẹ có thể áp dụng những phương pháp khác nhau để khiến con cư xử tốt ở nơi công cộng. Đặc biệt, phụ huynh nên giải thích cho con hiểu những gì đang diễn ra, dù trẻ còn nhỏ.
Phụ huynh nên giải thích dù trẻ còn nhỏ.
Giải thích bản chất
“Là mẹ của cô bé 18 tháng tuổi, tôi chưa trải qua quá nhiều khoảnh khắc khi con cư xử không đúng mực nơi công cộng. Vợ chồng tôi đã mường tượng về những cơn giận dữ sắp xảy ra của con. Vì vậy, với suy nghĩ đó, tôi đã cam kết sẽ giúp các phụ huynh sử dụng những mẹo này để khiến con họ biết cư xử ở nơi công cộng”, bà Emily Westbrooks – nhà văn kiêm blogger người Mỹ chia sẻ.
Bà Westbrooks cho biết, con gái mình thường không sẵn lòng ngồi vào ghế ô tô. Hành vi này của bé luôn xảy ra khi nữ phụ huynh tìm chỗ đậu xe ở nơi công cộng.
Tuy nhiên, sau vài lần “đấu tranh” không thành công, bà Westbrooks nhận ra rằng, cách tốt nhất là giải thích cho con chính xác những gì đang xảy ra. Đây không phải là phương pháp nhiều phụ huynh áp dụng. Bởi, thông thường, cha mẹ nghĩ, trẻ còn quá nhỏ để hiểu những gì đang xảy ra.
Song, theo bà Westbrooks, trẻ có thể hiểu hầu như mọi thứ. Do đó, cha mẹ nên giải thích cho con càng nhiều càng tốt. Mặc dù, không phải lúc nào phương pháp này cũng nên được áp dụng, nhưng đó là một thói quen tốt để giúp trẻ hiểu nhiều hơn mỗi ngày.
Bày tỏ kỳ vọng
Theo bà Westbrooks, phụ huynh nên chia sẻ những mong đợi của mình với con trước khi bước vào một tình huống nào đó.
Nữ chuyên gia này dẫn chứng, phương pháp hoàn toàn hiệu quả đối với cô con gái 18 tháng tuổi của mình. Phụ huynh có thể giải thích cách “chúng ta” cư xử ở nơi công cộng hoặc cách hành động trong một tình huống.
Cách làm này được cho là đặc biệt hữu ích nếu xung quanh đang có những đứa trẻ cư xử không đúng mực ở nơi công cộng.
Quan sát con
Thông thường, trẻ em cư xử tệ vì có điều gì đó đang diễn ra. Có thể, con cảm thấy không an toàn khi ở cạnh những đứa trẻ khác. Kết quả là chúng đang cố gắng gây ấn tượng. Hoặc, cũng có thể là trẻ cảm thấy không thoải mái khi ở một nơi xa lạ.
Khi đó, cha mẹ cần quan sát những gì đang diễn ra. Bởi, đó có thể là “nguồn gốc” dẫn đến cách cư xử của trẻ. Nhờ đó, cha mẹ sẽ giải quyết được vấn đề để ngăn chặn hành vi thô lỗ của trẻ.
Đối xử với con như người trưởng thành
“Phụ huynh có thể đối xử với con giống như người trưởng thành theo một số cách. Ví dụ, cha mẹ có kỳ vọng rằng, con có thể cư xử tuyệt vời ở nơi công cộng tương tự bao người trưởng thành khác. Đó là một khởi đầu tuyệt vời. Nếu cho phép trẻ chạy lung tung ở những nơi không thực sự thích hợp và chỉ cần “phủi sạch” điều đó bằng câu: “Ồ, chúng chỉ là trẻ con và không thể làm gì khác”, đó sẽ là hành vi cha mẹ nhận được”, bà Westbrooks gợi ý.
Vì vậy, phụ huynh có thể để con chạy, chơi và hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, có những tình huống, việc coi con là đứa trẻ sẽ không phù hợp. Khi đó, nhiệm vụ của cha mẹ là dạy con rằng, cần làm những việc nhất định ở những nơi nhất định.
Con cần nhận hình phạt nếu có hành vi không đúng mực.
Thúc đẩy một cách tích cực
Thay vì luôn chỉ trích hành vi tiêu cực, việc thúc đẩy và khen ngợi việc làm tốt có thể mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều. Nữ chuyên gia gợi ý, cha mẹ nên nói những câu như: “Cảm ơn con rất nhiều vì đã chia sẻ món đồ chơi đó”. Hoặc: “Đó là điều người lớn phải làm, giữ cửa cho người ở sau”. Những lời nói như vậy sẽ là động lực tuyệt vời đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Mang theo đồ ăn nhẹ hoặc lên kế hoạch cho hoạt động thú vị
Đôi khi bọn trẻ rất khó chịu vì cảm thấy buồn chán. Vì vậy, một cách tuyệt vời để giúp chúng tham gia hoạt động và bận rộn là ăn một bữa nhẹ. Hoặc, một hoạt động đơn giản, yên tĩnh sẽ thu hút sự chú ý của con trong thời gian ngắn.
“Khi con gái tôi lớn hơn, việc cho phép bé chọn đồ ăn nhẹ nếu gia đình đến nơi công cộng sẽ là điều khá mệt mỏi. Hiện giờ, tôi chỉ cố gắng tìm trong tủ vài thứ mà cô bé đã không ăn mấy ngày nên sẽ cảm giác mới lạ. Đôi khi, sự phân tâm có thể hữu ích”, bà Westbrooks chia sẻ.
Cho con thấy hậu quả thực sự
Đó là điều tồi tệ nhất, nhưng hành vi xấu phải gây ra hậu quả thực sự. Khi đã giải thích những kỳ vọng và không được đáp ứng, cha mẹ cần vạch ra những hậu quả và áp dụng chúng.
“Phương pháp này đã trở thành một trong những phần ít yêu thích nhất của tôi suốt quá trình nuôi dạy con. Chúng tôi đang cố gắng dạy con gái không ném thức ăn ra khỏi khay nếu bé không muốn. Hậu quả mà chúng tôi đã nêu ra (đối với trẻ 18 tháng tuổi) là nếu ném thức ăn của mình, bé sẽ phải ngừng ăn. Thật khó chịu khi phải tiếp tục với hậu quả đó, nhưng mỗi khi làm vậy, tôi lại tự nhắc mình rằng, sẽ không bao giờ có hiệu quả nếu chúng ta không tuân theo”, bà Westbrooks cho biết.
Thực hiện thỏa thuận
Cách làm này không áp dụng cho mọi tình huống, nhưng có thể hiệu quả trong những trường hợp cha mẹ thực sự cần con hợp tác. Đôi khi, điều tốt nhất phụ huynh có thể làm là giải thích những mong đợi về hành vi tốt và kết hợp với một mẹo nhỏ. Cách làm này giống như một khoản hối lộ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể coi đó là một thỏa thuận. Do đó, cả cha mẹ và con phải thực hiện tốt đến khi kết thúc cuộc thương lượng, nếu tất cả kỳ vọng được đáp ứng. Một mẹo nhỏ là phụ huynh có thể thưởng cho hành vi lịch sự và nhã nhặn của trẻ, chẳng hạn như cho con đi đến một nơi nào đó thú vị.
Duy trì cường độ giọng nói
“Tôi thường nghĩ về chính sách đối ngoại của Teddy Roosevelt: “Nói nhỏ nhưng phải cầm cây gậy lớn”. Điều tương tự cũng xảy ra đối với việc đảm bảo trẻ em cư xử đúng ở nơi công cộng. Nói nhẹ nhàng và bình tĩnh nhất có thể, nhưng hãy làm chủ giọng. Chỉ ngắt giọng khi thực sự cần thiết”, bà Westbrooks gợi ý.