Với câu hỏi này, người phỏng vấn muốn biết suy nghĩ của bạn khi bắt đầu tìm một công ty mới, tại sao vị trí cụ thể này lại hấp dẫn bạn và bạn đang trông đợi điều gì ở điểm dừng chân tiếp theo. Những thông tin đó có thể giúp nhà tuyển dụng đưa ra quyết định lựa chọn ứng viên đúng đắn.

Để tạo ấn tượng tốt, bạn nên tập trung vào những lý do tích cực khiến bạn rời bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm điều gì đó mới mẻ, đồng thời nhấn mạnh khả năng của bạn trước nhà tuyển dụng tại Hải Phòng, Hà Nội hoặc bất kỳ nơi nào khác. Hãy thử trả lời với 3 mẹo sau đây.

Tập trung vào bản thân

Câu hỏi là dành cho bạn, nên hãy tập trung vào bạn, nhưng cũng cần nhìn nhận từ góc độ của nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng không chỉ tìm kiếm một ứng viên có thể làm tròn vai trò – họ còn đang tìm kiếm một người có mong muốn và tham vọng riêng, người nhiệt tình với công việc mà họ làm và sẵn sàng nỗ lực hơn 100% để làm điều đó.

Vì vậy, khi nói về lý do muốn làm việc với một công ty mới, bạn cần liên hệ tới mục tiêu dài hạn của mình. Tại sao bạn lại chọn công ty này để làm điểm dừng mới? Vị trí này phù hợp như thế nào với lộ trình sự nghiệp hiện tại của bạn? Bạn dự định gắn bó trong bao lâu?

Có lẽ bạn quyết định đổi việc vì bạn không hợp chỗ làm cũ, bạn muốn phát triển cao hơn, muốn trải nghiệm môi trường mới… Dù lý do của bạn là gì, hãy liên kết được chúng với vị trí mới này. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy công ty của họ là nơi có thể cho bạn cơ hội sử dụng tối ưu kỹ năng của mình, và quan trọng hơn là kỹ năng của bạn phù hợp với vị trí họ đang thiếu như thế nào. Hãy mô tả điều gì thúc đẩy bạn trong công việc, và tại sao bạn đang thấy điều đó ở vị trí này hoặc công ty này.

Tránh nói điều tiêu cực

Nhà tuyển dụng không bao giờ muốn nghe một ứng viên nói xấu sếp cũ và nơi làm việc cũ của mình. Thứ nhất, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ tới khả năng bạn nói xấu chính công ty họ trong tương lai. Thứ hai, người trong ngành thường quen biết nhau. Nhà tuyển dụng mới có thể vô tình biết ai đó làm việc tại công ty cũ của bạn, xác thực được lời nói của bạn cũng như hỏi thêm về bản thân bạn.

Vì vậy, sẽ an toàn hơn nếu bạn giữ mọi câu chuyện thật tích cực. Kể cả nếu nơi làm cũ thực sự rất tồi tệ, bạn vẫn nên thể hiện một thái độ cảm thông và cầu tiến, bỏ qua những chuyện cũ sau lưng để tìm kiếm tới một công việc tốt hơn. Tích cực cũng là một đặc điểm mà nhà tuyển dụng đánh giá rất cao đó.

Trung thực một cách tinh tế

Lý do bạn tìm một công việc mới có thể chỉ đơn giản là vì tiền, khoảng cách di chuyển, bạn muốn thử điều mới; hoặc phức tạp như công ty cũ rất tệ, bạn muốn chuyển ngành, những lý do bất đắc dĩ khác… Đơn giản quá thì dễ khiến bạn trông ngốc nghếch hoặc thực dụng, phức tạp quá thì lại dễ khiến bạn tiêu cực, khó đoán. Thế nhưng, điều tối kỵ khi xin việc chính là nói dối. Vậy làm thế nào để bạn vẫn trung thực mà không quá trung thực?

Hàm ý tạo nên ngôn ngữ đích thực của một cuộc phỏng vấn – bạn phải học cách nói nhiều điều về bản thân mà không thể hiện mình quá “trần trụi”. Ví dụ, muốn kiếm nhiều tiền hơn thường đi kèm với đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Một cách nói để thay thế cho lý do muốn lương cao hơn là bạn đang tìm kiếm những thách thức lớn hơn hoặc muốn phát triển tốt hơn các kỹ năng trong ngành.

Tương tự như vậy, mong muốn tìm kiếm một môi trường làm việc cởi mở, tôn trọng ý kiến của mọi nhân viên có thể nhẹ nhàng ám chỉ sự thất vọng của bạn với công ty gần nhất.

3 yếu tố trên sẽ giúp bạn xây dựng một câu trả lời hợp tình hợp lý cho câu hỏi vì sao bạn tìm công việc mới. Với sự chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ tạo ấn tượng tuyệt đối với người phỏng vấn, chứng minh được rằng bạn sẵn sàng tiếp nhận những thử thách mới, và kỹ năng của bạn có thể đóng góp tích cực cho công ty của họ.

LH