Vì sao ‘mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’?
Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” không chỉ là lời nhắc nhở về thứ tự chúc Tết, thăm hỏi trong 3 ngày Tết mà nó còn là cách người Việt ta thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”.
Theo quan niệm xưa, ngày mùng 1 là quan trọng nhất. Nó cũng ngày đầu tiên trong năm mới có tính chất tượng trưng cho sự khởi đầu. Vì vậy, mùng 1 Tết cha chính là có ý nhắc nhở hướng về nguồn cội, cúng bái tổ tiên trước sau đó là thăm hỏi gia đình bên nội, cha mẹ.
Sau khi con cháu chúc Tết và nhận lì xì mừng tuổi đầu năm, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm, vừa trò chuyện vui vẻ.
Sau khi thăm hỏi chúc Tết gia đình, họ hàng bên nội thì đến bên ngoại. Đó là ý nghĩa của câu nói “Mùng 2 tết mẹ” trong quan niệm xưa.
Cũng với những nghi thức tương tự như ngày mùng 1 bên nhà nội, mọi người sẽ cùng quây quần để ăn bữa cơm năm mới, sau đó cùng nhau đi chúc tết họ hàng, xóm giềng.
Cuối cùng là “mùng 3 Tết thầy”. Sau khi đã hoàn thành đạo hiếu với bố mẹ hai bên nội ngoại thì ngày mùng 3 là ngày để chúc Tết thầy cô- những người có công dạy bảo chúng ta nên người. Ngày “Tết thầy” này được xem như là “ngày Nhà giáo Việt Nam” thời xưa – khi ngày 20/11 chưa chính thức ra đời, là cơ hội để biết bao thế hệ học trò tỏ lòng biết ơn đến những người “đưa đò”.
Về tục chúc Tết, nhà nghiên cứu phong tục Toan Ánh trong cuốn Các thú tiêu khiển Việt Nam đã viết: Sáng ngày mồng một Tết, sau khi lễ gia tiên, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ.
Lúc này, ông bà, cha mẹ ăn mặc chỉnh tề ngồi ở giữa nhà, thường các nhà sang trọng có kê sập chân quỳ thì các cụ an tọa ở nơi sập. Con cháu ăn mặc quần áo đẹp, chúc Tết ông bà rồi chúc Tết cha mẹ mạnh khỏe, bình an, nếu buôn bán thì đắc tài sai lộc.
Ông bà cha mẹ sung sướng hân hoan đón nhận lời chúc Tết của con cháu, cầu chúc cho con cháu mạnh khỏe, học hành tấn tới được lên lớp hoặc thi đỗ.
Cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy học của mình, do đó ngày mùng 3 thì học trò đồng môn rủ nhau đến viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). Họ mang theo lễ vật để tỏ chút lòng. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện làm ăn, nghề nghiệp rất vui vẻ, bổ ích.
Hiện nay, nhiều người linh động hơn trong việc đi chúc Tết và tuỳ vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình để việc chúc Tết thuận tiện và không quá nặng nề, áp lực. Ngoài các mối quan hệ họ hàng, nội tộc, thầy cô thì có những mối quan hệ xã giao, công việc, làm ăn bên ngoài.
Thanh Hằng/TH