Take a fresh look at your lifestyle.

Tỷ phú Jorge Paulo Lemann và triết lý ‘nghèo, giỏi, và khát khao làm giàu’

Jorge Paulo Lemann, người đứng sau những vụ M&A đình đám, là tỷ phú giàu nhất Brazil trong vòng 5 năm liên tiếp kể từ năm 2013. Bloomberg gọi ông là vị tỷ phú thú vị nhất thế giới.
(Nguồn ảnh: Internet)
Thời thơ ấu, một ngày của Lemann bắt đầu trước khi bình minh ló dạng, thức giấc lúc năm giờ sáng, chạy bộ vài cây số dọc theo bờ biển ở Leblon rồi trèo qua tường vào Câu lạc bộ thể thao ngoài trời để chơi quần vợt trước giờ mở cửa. Sau này, Lemann năm lần giành chức vô địch quần vợt quốc gia Brazil và chơi cho cả hai đội tuyển Thụy Sĩ và Brazil tham dự Davis Cup và Wimbledon. 
Khi không chơi quần vợt, Lemann thường lướt sóng trên những bãi biển Arpoador, Rio. Chính trong lúc lướt sóng ông đã đối mặt với những nỗi sợ lớn nhất của cuộc đời.
Lemann chia sẻ: “Bạn phải chấp nhận những rủi ro trong cuộc sống và cách duy nhất là thực hành… Tôi thực hành trên những con sóng, trên sân quần vợt và sau này là trên thương trường… Tôi vẫn thường xuyên nhớ con sóng ở Copacabana hơn bất kỳ điều gì tôi học được ở trường đại học”.
Năm 17 tuổi, Lemann vô tình quyết định ghi danh vào một khóa kinh tế tại Harvard – một quyết định đã thay đổi hẳn thế giới quan của ông.
Buổi đầu của ông ở Harvard có thể nói là một thảm họa. “Năm đầu tiên của tôi ở Harvard thật khủng khiếp. Tôi chỉ mới 17 tuổi và tôi đã bỏ lỡ rất nhiều bãi biển và ánh mặt trời. Boston quá lạnh đối với tôi. Lần đầu tiên ở Mỹ và tôi không quen với việc học hay viết, chúng tôi phải viết rất nhiều ở Harvard. Điểm số của tôi là phần tồi tệ nhất” – ông kể.
Cuối năm thứ nhất, trước khi bước vào kỳ nghỉ, ông đã đốt vài phong pháo hoa ngay giữa sân chính của Harvard, các sinh viên rất thích thú trò này. Vài ngày sau, ông nhận được thư từ Harvard đề nghị ông tạm ngưng học một năm để trưởng thành hơn.
Để thoát cảnh buồn chán nhưng vẫn tốt nghiệp, ông quyết định nhanh chóng hoàn thành việc học trong vòng ba năm thay vì bốn năm. Ông biết được rằng những đề thi cũ đều được lưu trữ trong thư viện và những gì ông cần để chuẩn bị cho các kỳ thi là học từ đề thi của những năm trước. Điểm số của ông tăng vọt lên, và trong một thời gian ngắn, Lemann từ một sinh viên rắc rối trở thành học trò cưng của hiệu trưởng, ông đã hoàn thành khóa học khi 20 tuổi – độ tuổi ông đã định hướng rõ ràng cho bản thân.
Có một kiểu chuyên gia mà Lemann luôn muốn chiêu mộ, và ông luôn gắn họ với cụm từ viết tắt PSD: nghèo, giỏi, khát khao làm giàu (Poor, Smart, Deep Desire to Get Rich). Ngay từ lúc đầu, bằng cấp tại một trường danh tiếng hay kinh nghiệm quốc tế không phải là một trong những tiêu chí chính mà ông tìm kiếm trong sơ yếu lý lịch.
Phần lớn thành công Lemann có được là từ sự trung thành của những người thân tín nhất.
Telles và Sicupira (đồng sáng lập quỹ đầu tư 3G Capial) là những người mà Lemann nuôi dưỡng hơn 50 năm qua. Lemann thu hút các nhà quản lý mới bằng cách tài trợ học bổng cho đại học Harvard, Stanford, và các trường hạng A khác. Carlos Brito (CEO của AB InBev) và Bernardo Hees (CEO của Kraft Heinz) đều được Lemann chi trả tiền đến trường. Gia đình Lemann còn thành lập quỹ  Fundação Lemann nhằm cải tiến hệ thống giáo dục Brazil.
Năm 1971, LeMann và 2 người bạn của ông đã hùn vốn để thành lập Ngân hàng đầu tư Brazil Banco Garantia – được xem là ngân hàng uy tín nhất Brazil thời điểm bấy giờ.
Lemann đã đi tiên phong tạo nên một nền văn hóa doanh nghiệp mới ở Brazil vào thời điểm đó. Thay vì tặng cổ phiếu như tiền thưởng hàng năm, Lemann cho phép những nhân viên tốt nhất có cơ hội mua cổ phiếu bằng tiền thưởng của họ. Không phải là những nhân viên cao cấp được trao giải thưởng, mà là những người đạt thành tích cao nhất.
“Lemann là một thiên tài bởi vì ông đã mang đến Brazil một mô hình quản lý thực sự ưu việt đó là tập trung 100% vào nhân tài”, Silveira nói.
Có thể thấy, từ những ngày đầu khởi nghiệp, Jorge Paulo Lemann luôn chủ động tìm kiếm người để học hỏi, và lên đường viếng thăm họ: Matsushita, nhà công nghiệp kiệt xuất người Nhật; Sam Walton, nhà bán lẻ với tầm nhìn vĩ đại; Warren Buffett, thiên tài tài chính huyền thoại.
Không dừng lại ở đó, ông cũng tìm kiếm những cách thức để kết nối những con người vĩ đại với nhau; ông không chỉ “mai mối” theo cách truyền thống, mà tổ chức liên hệ giữa những con người “phi thường”, từ đó phát triển một mức độ học hỏi theo cấp số nhân cho mọi người.
Và khi bước vào tuổi ngũ tuần, lục tuần và thất tuần, Lemann vẫn tiếp tục hành trình học hỏi này, luôn tìm kiếm những nhà cố vấn và thầy giáo trẻ tuổi hơn mình.
TH