Vì sao ở nhà với ông bà cả ngày không một tiếng khóc, nhưng cứ hễ thấy mẹ là lại ỉ ôi la khóc không ngừng.
Các chuyên gia tâm lý nói rằng bạn nên vui mừng vì con cứ thấy mẹ lại nỉ non đi, bởi vì…
“Sao cứ thấy mặt mẹ là con lại nhõng nhẽo ỉ ôi , than vãn, la hét, ăn vạ vậy?” có lẽ đây là câu hỏi kinh điển mà bà mẹ nào trong lúc bất lực, mệt mỏi cũng phải thốt ra đôi lần. Rõ ràng là con đang chơi rất ngoan với ông bà, bố, anh chị em hoặc bạn bè. Song, cứ thấy mẹ là y như rằng sẽ lao vào đeo bám. Đeo bám không được thì lăn ra ăn vạ, khóc lóc, ỉ ôi. Điều này khiến các mẹ nhiều lúc cảm thấy kiệt sức và cảm thấy mình là một bà mẹ tồi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Khoa Tâm lý học thuộc trường Đại học Washington (Mỹ) đã thực hiện một cuộc nghiên cứu nhằm lý giải về hiện tượng kỳ lạ này ở trẻ em. Kết quả cho thấy nguyên nhân của việc này là do não bộ của trẻ chưa phát triển đầy đủ.
Chỉ khi ở trước mặt mẹ, con mới thoải mái bộc lộ hết cảm xúc của mình (Ảnh minh họa),
Trẻ luôn suy nghĩ rằng mình cần phải cư xử tốt trước mặt những người lạ hơn là những người con thân thiết. Từ đó, con sẽ có những hành vi khác nhau giữa mọi người và mẹ. Đây chính lý do vì sao trẻ có thể rất ngoan khi ở cùng ông bà, bố, họ hàng hay cô giáo, nhưng cứ hễ thấy mẹ thì lại ỉ ôi, khóc lóc, la hét và ăn vạ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng liệt kê thêm một số nguyên nhân khiến trẻ không bao giờ cư xử lịch sự khi đứng trước mẹ. Chẳng hạn như:
1. Mẹ là người cho con cảm giác an toàn, thoải mái nhất
Trong mắt của trẻ, mẹ là nơi an toàn nhất. Vì thế, con không ngại bộc lộ nhiều cảm xúc trước mặt mẹ.
Cũng giống như người lớn, trẻ em không thích thể hiện điểm xấu của mình trước mặt người lạ. Con chỉ có thể “bung xõa” cảm xúc khi ở bên cạnh người con thân thiết. Do đó, nếu lần tới bạn thấy con mè nheo, thay vì đi tìm nguyên nhân tại sao con cư xử như thế, thì bạn nên vui mừng vì bạn có một đặc ân là được làm mẹ của con và công việc này là một công việc tuyệt vời.
2. Mẹ là nơi con chọn lựa để “xả cảm xúc”
Bất kỳ tình huống xã hội nào liên quan đến người lạ, dù đó là ông bà, họ hàng, bạn bè hay cô giáo đều khiến trẻ cảm thấy không thoải mái. Nhưng vì không tin tưởng, không cho đó là người mình thân thiết nhất nên trẻ sẽ giữ mọi bức xúc của mình ở trong lòng. Con sẽ dè dặt, sống khép kín hơn và học được cách cư xử đúng mực với “người lạ”.
Song, khi về đến nhà, khi gặp được mẹ, mọi cảm xúc sẽ vỡ òa và mẹ trở thành nơi cho con “trút giận”. Tuy nhiên, vì bộ não chưa phát triển hoàn thiện, con chưa thể nói rõ từng nguyên nhân của những cơn nhõng nhẽo, ỉ ôi nên đôi lúc khiến mẹ hiểu lầm là “Con hư quá!”. Nhưng từ bây giờ, bạn hãy biết rằng con đã phải trải qua một ngày tồi tệ và những cơn giận dữ con dành cho mẹ chỉ là cách để con giải tỏa cảm xúc. Điều con cần lúc này là một cái ôm vỗ về đầy yêu thương của mẹ hơn là những lời trách mắng.
3. Con đang tìm kiếm sự chú ý
Vì nghĩ rằng mẹ chưa chú ý đến mình đủ nên con sẽ khóc lóc để mẹ chú ý hơn (Ảnh minh họa).
Một lý do nữa khiến trẻ “hư” là vì con cảm thấy mình đã không được mẹ chú ý đủ. Mẹ đã phân tán sự quan tâm của mình cho các anh chị em, những người lớn khác trong nhà, vật nuôi hay công việc của mẹ. Vì không thể gọi tên được cảm xúc và giải thích cho mẹ hiểu nên trẻ không có cách nào khác là hành động. Và chắc chắn rằng sau màn lăn lóc, đeo bám thì mẹ sẽ phải nhìn và nói với con vài câu, dù đôi khi đó không phải là điều con muốn nghe.
4. Con đang kiểm tra ranh giới tình cảm với mẹ
Thoạt nghe thì thấy lý do này thật lạ đời, song, các nhà tâm lý lại giải thích rằng nó có đấy. Trẻ biết rằng mối quan hệ giữa mình và mẹ là an toàn, là bền vững, vì vậy con cảm thấy rằng mình có thể ngỗ ngược, không vâng lời và đi quá giới hạn. Điều này không có nghĩa là con bạn cố tình hư, mà đó chỉ là một sự phát triển tâm lý bình thường giúp con xác định được ranh giới trong mối quan hệ giữa mẹ và con.
Nói nôm na là trẻ sẽ cố gắng và nỗ lực để xem bản thân có thể đi được bao xa trong mối quan hệ này. Và đến một thời điểm mà mẹ bảo “Không được” thì con sẽ tự biết mình đã chạm vào ranh giới rồi.
5. Con muốn một điều gì đó
Trong một vài tình huống, cơn giận dữ của trẻ đến từ việc không có được cái mà con muốn. Thay vì thuyết phục mẹ bằng lời nói thì trẻ lại sử dụng hành động để thao túng. Chắc chắn là với kinh nghiệm làm mẹ của mình, bạn hoàn toàn có thể nhận biết được mục đích đằng sau cuộc “hỗn chiến” của con là gì. Và nếu thấy rằng điều con muốn không được thì bạn nên kiên định với hành động của mình. Hãy ôm lấy con để con bình tĩnh hơn.
Sưu tầm