Nữ doanh nhân Việt: Giỏi việc kinh doanh, đảm việc nhà
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ DN do nữ làm chủ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 25% trong số DN đang hoạt động. Điều này cho thấy, tố chất và nỗ lực rất lớn của phụ nữ trong việc đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
Hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu với hơn 100 DN thành viên, 500 DN liên kết xúc tiến thương mại thì có hơn 70% DN do phụ nữ làm chủ. Điều này cho thấy, phụ nữ ngày nay đã tự tin bước ra khỏi khuôn khổ gia đình, vươn ra ngoài xã hội để khẳng định giá trị, vị thế của bản thân trên thương trường. Chúng ta phải thấy rằng, so với trước đây phụ nữ bị hạn chế về sức khỏe, thời gian cho gia đình, các định kiến, nghi ngại, thậm chí là kỳ thị thì nay đã rất nỗ lực học hỏi để có tri thức, văn hóa, kỹ năng sống tự lập. Vì vậy, với ý chí dám nghĩ, dám làm họ đã bứt tốc rất nhanh trên con đường sự nghiệp. Chúng ta vẫn biết, “thương trường là chiến trường”, khi phụ nữ quản lý, điều hành DN thì so với nam giới họ cũng có những hạn chế nhất định do vốn quen với hình ảnh người nội trợ, đứng sau đàn ông. Tuy nhiên, họ có những tố chất vượt trội để thành công khi vận hành DN, đó là đã hài hòa được hai yếu tố cương và nhu, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, biến cố; kiên trì, bền bỉ xây dựng sự ổn định, chịu khó tìm tòi, mở rộng các mối quan hệ, chủ động kết nối kinh doanh, qua đó gây dựng cho DN các nguồn lực để đi đường dài. Đặc biệt, hiện nay quan niệm về phụ nữ phát triển sự nghiệp đã cởi mở hơn nhờ sự bình đẳng giới trong hoạt động kinh tế, sự hỗ trợ, chia sẻ rất lớn từ gia đình trong việc giảm nhẹ vai trò, đã giúp nữ doanh nhân có thêm thời gian, sức lực để cống hiến cho công việc kinh doanh.
Theo bà, đâu là ưu điểm của các nữ doanh nhân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN thời gian qua?
Phải thừa nhận rằng, phần lớn DN do nữ làm chủ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế nhiều mặt, như: Tài chính, nhân lực, công nghệ, vốn… Nên, người quản lý DN phải bỏ công sức gấp đôi, gấp ba để xoay sở khi tình hình kinh doanh khó khăn. Ngay trong Hội của chúng tôi, nhiều chị em có khát vọng kinh doanh rất lớn, họ đam mê tạo ra sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng và đưa hàng Việt ra thế giới. Vì vậy, khi “bão” Covid-19 ập đến, nguồn cung đứt gãy, nhu cầu thị trường sụt giảm, nhưng chị em quản lý đều rất quyết tâm vượt khó. Theo đó, nhiều cá nhân đã thể hiện được bản lĩnh, tính kiên trì và tính sáng tạo của nữ doanh nhân Việt Nam. Đặc biệt, họ đã liên kết, đồng hành mở kênh xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng phù hợp trong bối cảnh mới; quyết tâm xoay chuyển, đưa ra những giải pháp tích cực để điều hành DN chứ không thả nổi số phận DN theo biến động của nền kinh tế. Đây chính là những điểm tích cực, là ưu điểm của nữ doanh nhân hiện nay.
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập với thế giới, vậy các nữ doanh nhân cần phải làm gì để vượt qua thách thức, đưa DN vươn ra “biển lớn”, thưa bà?
Việc đất nước tăng cường hội nhập với thế giới, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là điều mà bất cứ DN nào cũng mong muốn, bởi đây chính là cơ hội mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các DN, trong đó có DN do nữ làm chủ. Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để DN tự do sáng tạo, phát triển kinh tế, làm giàu cho DN và đất nước. Tuy vậy, DN sẽ đứng trước nhiều thách thức khi hàng hóa của các quốc gia sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong khi các DN chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu, thiếu vốn cho SXKD.
Theo tôi, để vượt qua thách thức, bản thân các chủ DN cần phải thay đổi, chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản; nâng cao năng lực SXKD thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ. Đặc biệt, người chèo lái DN, các nữ doanh nhân phải chuẩn bị tốt nhất tâm thế kinh doanh toàn cầu, năng động sáng tạo, có bản lĩnh kinh doanh, dám “đương đầu” áp lực cạnh tranh để vươn ra “biển lớn”.
Xin cảm ơn bà!