Những dấu hiệu bất thường khi uống nước cần lưu ý
Uống nước là nhu cầu vô cùng cần thiết cho cơ thể nhưng nếu sau khi uống nước có những dấu hiệu này, bạn nên đi khám ngay bởi đó có thể là lời cảnh báo bạn đang mắc những bệnh nguy hiểm.
Uống nhiều nước vẫn thấy khát
Ảnh minh họa
Khi bạn đã uống nhiều nước mà vẫn thấy khô miệng và khát nước, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang nạp quá nhiều muối. Dư thừa muối sẽ gây ra tình trạng mất nước từ tế bào. Lúc này, não bộ sẽ liên tục nhận được tín hiệu thiếu nước và hình thành cảm giác khát. Nếu gặp phải tình trạng trên, bạn hãy điều chỉnh chế độ ăn để cân bằng lượng muối nạp vào cơ thể.
Phù nề toàn thân sau khi uống nước
Với những người khỏe mạnh, thận hoạt động tốt, dù có uống bao nhiêu nước cũng không xuất hiện tình trạng phù nề. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng ngược lại bạn cần cảnh giác với bệnh thận.
Thận yếu không chỉ ảnh hưởng đến sự đào thải các chất độc còn khiến lượng nước bị dồn ứ, gây rối loạn điện giải, xuất hiện tình trạng phù. Nếu cơ thể của bạn xuất hiện triệu chứng trên sau khi uống nước, nhất định phải đến bệnh viện để khám. Theo thời gian nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ nặng thêm.
Cảm thấy buồn nôn
Triệu chứng của thừa nước cũng giống như mất nước. Khi bạn uống quá nhiều nước, thận không thể xử lý hết chất lỏng thừa và nước bắt đầu tích tụ trong cơ thể. Điều này gây ra các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy.
Cảm thấy mệt mỏi
Thận chịu trách nhiệm lọc nước khi bạn uống và đảm bảo nồng độ chất lỏng trong mạch máu luôn cân bằng. Khi bạn uống quá nhiều nước, thận phải làm việc nhiều hơn và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.
Khô miệng, đi tiểu nhiều sau khi uống nước
Nếu xuất hiện tình trạng này, mọi người nên cảnh giác đến bệnh tiểu đường vì nó khiến cơ thể khó kiểm soát mức glucose (đường) trong máu. Khi đó, thận sản xuất ra nước tiểu nhiều hơn để hạn chế dư thừa đường, gây mất nước và tạo cảm giác khát nước thường xuyên hơn.
Ảnh minh họa
Tình trạng miệng khô không quá nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lâu dài có thể gây ra chứng hôi miệng khó trị và răng dễ bị sâu hơn do lượng nước bọt tiết ra không đủ để diệt khuẩn.
Minh Hằng/TH