Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Hàn thực trong đời sống người Việt
Tết Hàn Thực (3/3 âm lịch) ở Việt Nam là thời điểm cả gia đình quây quần bên nhau nặn bánh trôi bánh chay, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn.
Nguồn gốc Tết Hàn thực
Tết Hàn Thực được xem là một ngày lễ truyền thống của Việt Nam khi người dân khắp vùng đều nặn bánh trôi, bánh chay cúng lên tổ tiên vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm.
Ngày tết này ở Việt Nam bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc được lưu truyền cho đến ngày nay. Nguồn gốc của phong tục này liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 – 221 trước Công nguyên), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sỹ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm, cùng nhau “nếm mật nằm gai”. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi xưa, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo phò vua là chuyện nên làm. Ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói nên đã về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng.
Vì muốn thúc ép Tử Thôi quay về, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng. Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, đến ngày 3/3 là ngày chết cháy của 2 mẹ con Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Ý nghĩa Tết Hàn thực
Ở Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay và khi du nhập vào Việt Nam, ngày Tết Hàn Thực có ý nghĩa tâm linh khác. Tết tháng 3 tại Việt Nam, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.
Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 Âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn thực, các gia đình lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay.
Để phù hợp với văn hóa của người Việt, phong tục cúng Tết Hàn Thực cũng có nhiều thay đổi. Khác với Tết Hàn Thực ở Trung Quốc – thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.
Trong ngày này, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành.
Mâm cúng lễ Tết Hàn Thực cũng tương tự như các ngày lễ tết quan trọng khác, cần có hương, hoa, quả tươi, trầu cau. Tránh dùng những loại quả có nhiều gai góc để bày ngũ quả, nếu cầu kỳ thì mua các loại quả đại diện ngũ hành, đơn giản hơn thì chỉ cần một đĩa hoa quả tươi là được, chỉ cần thể hiện sự thành tâm cũng đủ. Trên bàn thờ cũng phải có 1 ly nước sạch thể hiện tâm trong sạch, thanh tịnh của gia chủ khi làm lễ.
Ngoài ra, trên mâm cúng Tết Hàn Thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Luôn phải có 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ. Bởi lẽ, người xưa quan niệm số lẻ là số tâm linh, không được dùng số chẵn.
Bánh trôi, bánh chay chính kết tinh của văn hóa, bản sắc của người Việt, thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, bánh trôi, bánh chay của người Việt cũng không giống với người dân Trung Quốc mà mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam.