Mùa hoa Bưởi nở rộ, chị em đua nhau làm món ăn ‘chơi’ hồi thơ ấu
Những món ăn chơi cũng là những món tráng miệng cực kỳ tinh tế, cầu kỳ của người Hà Nội xưa đã gói trọn sự quan tâm, săn sóc và tình yêu thương của người phụ nữ dành cho gia đình mỗi độ tiết xuân ẩm ướt, giở giời.
Hà Nội những ngày này ngập tràn sắc trắng và hương thơm dịu dàng thanh khiết của hoa bưởi trên những gánh hàng rong len lỏi khắp các con phố nhỏ. Bên cạnh sự ồn ào đô thị, gánh hoa bưởi đi tới đâu là thoang thoảng hương thơm, khiến người qua đường muốn nán lại, hít hà, níu giữ chút dịu dàng Hà Nội.
Mùa hoa bưởi, khúc giao mùa bình yên nhẹ nhàng của Hà Nội. Ảnh:Internet
Ngày xưa ở Hà Nội không có hàng rong bán hoa bưởi như bây giờ. Thường nhiều gia đình vẫn trồng bưởi, lấy lá, lấy gai, lấy hoa, lấy quả. Những nhà có cây bưởi, vào mùa hoa sẽ có thêm các món ngon, thường là các món tráng miệng, có ướp hương hoa bưởi.
Hoa bưởi thường được hái vào lúc ban mai, khi có những tia nắng đầu tiên trong ngày đánh thức những nụ hoa còn đượm sương đêm từ từ hé nở. Đây là lúc mùi hương hội tụ, thơm nhất.
Các mẹ, các chị mua hoa về, chỉ cần một lọ nhỏ đặt trong nhà là cả không gian đã thơm lừng cái mùi dịu ngọt đó.
Ngoài việc để thanh lọc không khí, hoa bưởi còn được người Hà Nội nghĩ ra những món ăn tinh tế. Nào là món bột sắn dây ướp hoa bưởi để đến mùa hè uống cho mát, nào là vài bông bưởi thả vào bát nước đường ăn tào phớ cho thơm… Nhà nào có nhiều thì sẽ đem cất thành tinh dầu hoa bưởi để dành đến Rằm tháng Tám làm bánh dẻo…
Đặc biệt phải kể đến món quà thi vị: Mía ướp hoa bưởi.
Còn nhớ trong truyện ngắn “Đôi mắt”, Nam Cao kể, quãng năm 1947 – 1948, tác giả đến thăm nhà một người bạn tên Hoàng người Hà Nội đang đi tản cư. Trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ nhưng Hoàng vẫn không thay đổi lối sống trước kia, vẫn nuôi chó Tây, ăn mía ướp hoa bưởi… Thế mới biết ẩm thực của đất kinh kỳ công phu, kiểu cách và tỉ mỉ đến chừng nào.
Mía mua về, chọn đoạn giữa vừa mềm, vừa ngọt, róc xong tiện thành những đốt nhỏ, cho vào túi bóng, đặt vài bông bưởi vào trong rồi buộc kín lại. Có thể cho vào tủ lạnh hoặc đơn giản hơn là cho vào thau nước mát. Chỉ một lúc thôi, hương bưởi đã thấm vào mía. Trong những buổi trưa háo nước, được ăn vài khúc mía ngọt mát, ướp lạnh ấy sẽ thấy sảng khoái nhờ tinh dầu hoa bưởi lay động đến từng giác quan.
Mía chưng hoa bưởi thì cầu kỳ hơn. Mía sau khi chẻ ra từng khúc nhỏ, bỏ cả vào một chiếc thố gốm, cứ một lớp mía lại rắc một lớp vài cánh hoa bưởi rồi đổ vào đó một gáo nước mưa cho ngập mía. Đậy nắp thố, đặt vào một nồi nước sao cho nước ngập lưng thố. Chưng khoảng 30 phút thì tắt bếp và giữ nguyên trong thố cho nguội dần để “hãm”. Mía sẽ có vị ngọt sâu hơn, và ngấm mùi hoa bưởi thơm ngào ngạt. Từng khúc mía ngả màu vàng, trong veo mềm ngọt.
Những món ăn chơi cũng là những món tráng miệng cực kỳ tinh tế, cầu kỳ của người Hà Nội xưa đã gói trọn sự quan tâm, săn sóc và tình yêu thương của người phụ nữ dành cho gia đình mỗi độ tiết xuân ẩm ướt, giở giời.
Gợi ý một số món dễ làm từ hoa bưởi:
1. Cách chọn và sơ chế hoa bưởi
a. Chọn hoa:
– Chọn hoa bưởi có nguồn gốc hữu cơ, sạch, hái trong ngày.
– Tránh chọn hoa vào những ngày không mưa, vì cánh hoa bị dập, ứ nước sẽ mất mùi hương.
– Chọn những bông hoa chớm nở, có màu trắng trong, cứng cáp, đài to, tươi tắn vì vào độ căng tròn lưu giữ hương thơm nhất. Không nên chọn hoa cong quá vì đã nở già, không còn lưu hương thơm nữa.
b. Sơ chế:
– Chỉ lấy cánh hoa (ngắt bỏ lá, cuống, nhụy vì phần này nhiều nước và đắng. Nếu ướp trà sẽ dễ bị thiu và làm siro đắng hơn).
– Rửa cánh hoa: Pha nước sôi để nguội với muối loãng rồi rửa nhẹ nhàng hoa bưởi (tránh làm cánh hoa bị dập, nát vì sẽ không còn lưu giữ hương thơm đọng trên cánh). Sau đó, tráng lại bằng nước đun sôi để nguội (để giảm độ mặn), vớt ra, để ráo nước.
2. Cách làm các món
a. Siro tinh dầu hoa bưởi:
– Chuẩn bị lọ/hũ thủy tinh sạch (rửa sạch, tráng qua nước sôi rồi úp ngược cho khô ráo).
– Lần lượt cho 1 lớp hoa bưởi và 1 lớp đường xen kẽ nhau theo tỷ lệ 1:1 hoặc phần đường nhiều hơn chút. Trên cùng phủ một lớp đường.
– Sau 10-15 ngày thì tinh dầu từ cánh hoa bưởi tiết ra quyện với đường tạo nên hỗn hợp siro sánh, trong và có vị hơi đắng (đây là tinh dầu hoa bưởi, rất tốt cho giải cảm, thanh nhiệt).
– Dùng rây lọc lấy nước siro này và lưu giữ ngăn mát tủ lạnh, dùng quanh năm cho các món: Tào phớ, chè, nước uống.
b. Hoa bưởi ướp mật ong:
– Nên chọn mật ong rừng nguyên chất.
– Cách làm cũng tương tự như ướp đường nhưng tỷ lệ hoa bưởi ít hơn vì chủ yếu là lấy mùi hương và chút tinh dầu từ hoa bưởi.
– Cho hoa bưởi vào lọ thủy tinh sạch, đổ mật ong vào ngâm 7-10 ngày là hoa se lại. Bạn có thể vớt cánh hoa ra hoặc để lại, bảo quản ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
– Mật ong ngâm hoa bưởi có tác dụng bị viêm họng, tiêu đờm hoặc pha loãng với nước ấm, pha trà đều rất tốt.
c. Trà hoa bưởi:
– Chọn trà loại ngon, khô ráo.
– Tỷ lệ ướp hoa bưởi và trà là 1:3.
– Cách ướp: Lót lớp giấy báo bên dưới thạp gốm, sứ để hút ẩm. Sau đó, lần lượt cho rải một lớp trà và lớp cánh hoa mỏng xen kẽ cho tới khi hết. Trên cùng phủ lớp giấy báo, đậy nắp.
– Khoảng 2-3 tiếng thì đảo trà để bay bớt hơi ẩm, ướp tối thiểu 8 tiếng hoặc tốt nhất 2 ngày.
– Sau khi ướp thì nhặt bỏ hoa và sấy khô bằng chảo gang ở nhiệt độ tầm 90 độ hoặc máy sấy trà chuyên dụng.
– Khi trà khô, để nguội và cất vào hộp dùng dần.
– Chú ý: Nên bỏ phần nhụy chứa nước khi ủ dễ bị thối nhũn, làm trà bị đắng, mùi ôi.
d. Mía ướp hoa bưởi:
– Mía chọn khúc to tròn, thẳng, không bị sâu hay nứt và ở giữa sẽ mềm, ngọt ngon nhất.
– Dùng dao róc vỏ, tiện thành những miếng nhỏ, chẻ làm ba hoặc bốn.
– Cho mía vào hộp cùng các cánh hoa bưởi đã sơ chế rồi đậy nắp cho vào ngăn mát tủ lạnh 1 tiếng.
– Thành phẩm: Hương hoa bưởi dịu dàng quyện với vị ngọt thanh của mía tạo nên dư vị ngọt ngào, tinh tế gợi nhớ lại bao ký ức tuổi thơ.