Không cần ngưỡng mộ ‘con nhà người ta’ EQ cao, cha mẹ có thể giúp con có chỉ số này vượt trội
Từ lâu, các bậc phụ huynh thường có xu hướng quan tâm đến năng lực học tập và chỉ số thông minh IQ của con. Nhưng ngày nay, nhiều người đã nhận ra việc phát triển chỉ số trí tuệ cảm xúc hay còn gọi là EQ cũng quan trọng không kém.
Donna Housman, nhà tâm lý học với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển trẻ nhỏ cho biết: “Thông minh về mặt cảm xúc giúp trẻ quản lý cảm xúc của mình theo cách xây dựng, giải quyết xung đột và giải quyết vấn đề. Khả năng quản lý cảm xúc của chính mình và đối phó với cảm xúc của người khác là chìa khóa phát triển sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và chấp nhận sự khác biệt của mỗi người”.
Chỉ số EQ rất quan trọng với mỗi con người. |
Cha mẹ có thể giúp đặt nền móng để con sớm có được chỉ số EQ cao trong cuộc đời. Dưới đây một số cách đơn giản mà các bậc phụ huynh có thể luyện tập cùng con mỗi ngày để nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc ở trẻ em.
Xác định cảm xúc
Theo Donna Housman, để giúp con hình thành trí thông minh cảm xúc, cha mẹ nên giúp trẻ xác định cảm xúc của bản thân mỗi ngày, đồng thời cho phép con có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc đó.
Trẻ càng thực hành xác định và thảo luận về cảm xúc của bản thân, con càng thoải mái hơn trong việc quản lý và đối phó.
Ravi Rao, một bác sĩ thần kinh nhi khoa cho biết một công cụ đơn giản dành cho cha mẹ là hãy đặt câu hỏi như con đang cảm thấy thế nào, hôm nay con có cảm xúc gì. Câu hỏi cụ thể khuyến khích con nói về trạng thái cảm xúc giúp xây dựng sự tự nhận thức và sự tự tin.
Cha mẹ có thể đề xuất tạo hoặc in ra biểu đồ cảm xúc giúp trẻ nhận ra những cảm xúc khác nhau ở bản thân và người khác. Từ đó con trẻ sớm hiểu rằng cảm xúc là tự nhiên và liên tục thay đổi.
Bình thường hóa cảm xúc tiêu cực
Việc cha mẹ che giấu cảm xúc tiêu cực là điều tự nhiên nhưng nó lại ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển cảm xúc của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên giúp con hiểu rằng mọi cảm xúc là tự nhiên và bình thường nhưng cách đối phó với chúng mới là điều quan trọng nhất.
Khi trải qua một ngày khó khăn, bạn không cần phải kể chi tiết cùng con nếu thấy không phù hợp với lứa tuổi, nhưng bạn nên thành thật về cảm xúc của bản thân.
Maggie Craddock , một nhà trị liệu gia đình cho biết: “Chúng tôi muốn dạy con cách tôn trọng những cảm giác không thoải mái như lo lắng, thất vọng theo cách tích cực. Điều này giúp con không cảm thấy bản thân phải kìm nén những cảm xúc mạnh mẽ này”.
Thảo luận về những phương pháp thích hợp để thể hiện và quản lý cảm xúc
Để phát triển đầy đủ trí thông minh cảm xúc, trẻ cần trải qua các bước quan trọng như nhận biết cảm xúc, dán nhãn cho nó và tự hỏi phải giải quyết như thế nào.
Sau khi con đã nhận ra cảm xúc, đọc tên cảm xúc, cha mẹ hướng dẫn con tìm ra cách thể hiện và quản lý cảm xúc phù hợp với bản thân. Cha mẹ có thể đặt câu hỏi gợi ý cho con như: Nếu con tức giận, con định làm gì? Con có thể nghĩ cách khác để thay đổi không?… Cha mẹ cũng có thể gợi ý hoạt động lành mạnh để xử lý cảm xúc khó chịu như đi dạo, chơi trò chơi yêu thích…
Nhận ra sai lầm của bản thân
Là con người không ai hoàn hảo, tất cả mọi người đều không thể tránh khỏi những lúc mắc sai lầm. Cha mẹ nên thực hành việc nhận sai lầm của bản thân và có hành động sửa sai khi vô tình làm tổn thương đến người khác.
Ví dụ cha mẹ có thể cãi nhau về vấn đề nào đó trước mặt con nhưng cố gắng tranh luận bảo vệ ý kiến cá nhân, thể hiện quan điểm rõ ràng, cân bằng hai bên để xoa dịu tình huống, chứ không phải dùng vũ lực hay tranh giành quyền lực ai đúng ai sai.
Ví dụ khi con khó chịu vì muốn chơi với món đồ của bạn nhưng không được thoả mãn, cha mẹ có thể khuyên con không được đánh nhau nhưng hãy suy nghĩ về cách làm cho lần sau gặp phải tình huống tương tự.
Đọc sách về cảm xúc
Có rất nhiều cuốn sách dành cho trẻ em đề cập đến cảm xúc và trí tuệ cảm xúc, cha mẹ có thể đọc cùng con, qua đó sử dụng câu chuyện để dạy cho con bài học.
Đọc truyện cùng nhau và nói về những cảm xúc mà các nhân vật trải qua không chỉ giúp bình thường hóa, thừa nhận các cảm xúc khác nhau của mỗi người mà còn giúp trẻ hiểu hơn về nhân quả, xây dựng sự đồng cảm ở con.
Khi đọc sách cha mẹ hãy hỏi những câu hỏi như Con nghĩ tại sao bạn ấy lại khóc lúc này hoặc tại sao bạn ấy vui lúc đó nhỉ, điều này cũng giúp con hiểu cách quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Hoàng Dung (lược dịch)