Doanh nhân 9X Tuệ Nghi chia sẻ vì sao bạn lại bị kinh doanh thua lỗ
Không xác định được giá trị cốt lõi của bản thân và doanh nghiệp cũng sẽ là một điểm yếu chết chóc trong khởi nghiệp.
Doanh nhân 9X Tuệ Nghi đã chia sẻ trên Facebook 6 lý do khiến bạn khởi nghiệp chưa thành công.
Thứ nhất, tư duy quản lý quá “sách vở”.
Sách là nguồn kiến thức vô giá, tuy nhiên, một số bạn mắc sai lầm ở chỗ chỉ tập trung đọc một thể loại sách, ví dụ, khởi nghiệp thì chỉ đọc sách kinh tế, đầu bếp thì chỉ đọc sách nấu ăn… Sau đó áp dụng một cách cứng nhắc toàn bộ những gì đã đọc vào doanh nghiệp của mình.
Tôi muốn bạn hiểu rằng, mỗi doanh nghiệp đều có bản sắc riêng, chiến lược phát triển được xây dựng dựa trên bản sắc và tiềm lực nội tại của doanh nghiệp. Vì thế, áp dụng phương thức vận hành của một doanh nghiệp được viết trong sách vào doanh nghiệp thực tế của bản thân sẽ dễ đi đến sai lầm “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Thứ hai, học hỏi từ doanh nhân nước ngoài là điều rất tốt, thậm chí cực kỳ tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo để nhìn ra rằng môi trường kinh doanh của họ khác với chúng ta, chính sách và hướng phát triển kinh tế của quốc gia họ cũng có thể không giống với chúng ta.
Có một thực tế hơi khó chấp nhận nhưng là sự thật, những mánh khoé kinh doanh thật sự để quyết định nên sự thành công và tồn tại của một doanh nghiệp thì hiếm khi nào được viết/nói tường tận cho công chúng biết. Vì thế, lấy họ là tấm gương, là động lực phấn đấu thì hợp lý. Thế nhưng, học theo toàn bộ những gì lĩnh hội được từ họ, bạn sẽ không thật sự biết con đường mình đi sẽ dẫn tới đâu.
Thứ ba, bỏ tài nguyên và thế mạnh của địa phương cũng là một điều đáng tiếc.
Tôi thấy rất nhiều người được sinh ra ở một mảnh đất màu mỡ và có nhiều cơ hội kinh doanh trên chính những sản phẩm từ quê nhà. Thế nhưng, các bạn vô tình bỏ qua “mỏ vàng” đó để chạy ngược về khởi nghiệp bằng những sản phẩm không phải là điểm mạnh của các bạn mà chỉ là xu hướng của xã hội.
Tôi tin rằng, xu hướng là nhất thời, người kinh doanh giỏi phải là người tạo ra xu hướng chứ không phải người chạy theo xu hướng.
Thứ tư, không xác định được giá trị cốt lõi của bản thân và doanh nghiệp cũng sẽ là một điểm yếu chết chóc trong khởi nghiệp.
Bạn không rõ được mình thật sự giỏi cái gì, không nắm được doanh nghiệp của mình có giá trị cốt lõi là gì thì sẽ rất khó để tập trung khai thác điểm mạnh và hạn chế tác động vào điểm yếu.
Nhiều bạn đã vướng sâu vào sai lầm này và kết cục là tự đưa bản thân “chạy” đúng một vòng tròn rồi quay lại điểm xuất phát. Cái gì cũng muốn làm, cái gì cũng muốn nhảy vào, để rồi không có cái gì ra cái gì.
hứ năm, sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng mở doanh nghiệp ra sẽ sinh lời ngay, nếu liên tiếp bị thâm hụt thua lỗ sẽ chán nản và tự cho là mình khởi nghiệp thất bại.
Theo một thống kê chưa chính thức, mỗi start-up sẽ mất từ hai đến ba năm để bắt đầu có lợi nhuận thật sự, tồn tại trên 5 năm thì mới gọi là tạm ổn.
Các doanh nghiệp mới muốn phát triển nhanh và mạnh thì dĩ nhiên sẽ tiêu tốn nhiều hơn các chi phí quảng bá, chiêu mộ nhân sự, hoạt động đối ngoại… Vì thế, đừng mong mở công ty ra phát là giàu luôn, không có đâu. Chưa thấy tiền tươi lại nản lòng, đó chẳng qua là chưa nắm rõ được bản chất của khởi nghiệp.
Cuối cùng, hiểu sai về ước mơ cả đời và sở thích nhất thời cũng sẽ khiến con đường bạn đi dài hơn, xa hơn mà chẳng bao giờ đến đích.
Ước mơ cả đời của tôi là sự nghiệp liên quan đến ngành luật pháp. Ngay từ rất sớm, tôi đã xác định được rằng kinh doanh là sở thích, lại vừa là cái nghề để mưu sinh, để nuôi dưỡng ước mơ.
Đã là ước mơ thì nhiệt huyết dành cho nó không bao giờ nguội, khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua được. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sở thích, một ngày nếu không còn thấy vui nữa, bạn nhất định sẽ buông tay ngay không cần nghĩ.
Vì thế, để tránh làm mất thời gian trong cuộc đời vốn ngắn ngủi, hãy xác định được mình thật sự đam mê cái gì. Thích và yêu là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Chúc các bạn khởi nghiệp thành công, dù thất bại cũng đừng vội nản. Nếu vấp ngã thì hãy đứng dậy đi, nếu không đi tiếp thì bạn cứ nằm ở đó đợi người sau tiến lên dẫm nát bạn.
Thanh Trần